Quy định về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu trong Luật Đấu thầu 2023

Điều 36 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 quy định chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án có thể căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được lập đồng thời hoặc độc lập với báo cáo nghiên cứu khả thi và được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung chủ yếu sau:

– Xem xét bối cảnh thực hiện dự án đối với công tác đấu thầu;

– Đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư đối với việc thực hiện các hoạt động đấu thầu của dự án;

– Phân tích thị trường và xác định rủi ro trong đấu thầu;

– Mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu;

– Đề xuất kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án bao gồm: phân chia dự án thành các gói thầu; hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; loại hợp đồng, nguyên tắc phân chia quản lý rủi ro; tiến độ thực hiện các công việc chính, gói thầu; các nội dung khác cần lưu ý trong soạn thảo hồ sơ mời thầu, quản lý thực hiện hợp đồng.

Để đảm bảo thực hiện việc thực hiện kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, ngày 15/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó ban hành mẫu lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu là điểm mới của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 so với các quy định của pháp luật về đấu thầu trước đây.

Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu là một công cụ quan trọng để đảm bảo quá trình đấu thầu diễn ra một cách có kế hoạch và hiệu quả, giúp chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án đảm bảo rằng những quyết định lựa chọn nhà thầu được đưa ra dựa trên thông tin và phân tích cẩn thận.