Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024

Sáng ngày 29/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 với chủ đề “Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các Hiệp hội doanh nghiệp. Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng có ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các ý kiến từ chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều ghi nhận sự chỉ đạo thường xuyên, rốt ráo của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là vẫn còn khoảng cách rất lớn và ngày càng gia tăng giữa các chỉ đạo về cải cách môi trường kinh doanh và chuyển biến trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực thi cải cách môi trường kinh doanh còn chậm hoặc chưa chuyển biến; thậm chí có lĩnh vực, rào cản nặng nề hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng… Việc triển khai thực hiện cần nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết. Đồng thời, xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được phân giao; kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực thi để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền. Cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích các nỗ lực và sáng kiến cải cách hiệu quả; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Các bên cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để kịp thời cập nhật và báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn, thường xuyên hơn; trong phạm vi thẩm quyền, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề. Đồng thời, việc quan tâm tới hoạt động thanh tra, kiểm tra để đảm bảo áp dụng đúng các nguyên tắc hậu kiểm./.