Giới thiệu chung về Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện Thông tư số 60-3/TTg ngày 14/101955 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hệ thống cơ quan Kế hoạch từ Trung ương đến địa phương, Ngày 22/11/1955 Uỷ ban hành chính thành phố Hải phòng quyết định thành lập Ban Kế hoạch thành phố. Từ đó hệ thống bộ máy công tác công kế hoạch từ thành phố đến các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế cơ sở được hình thành, từng bước xây dựng và phát triển.
Tiếp tục thực hiện quyết định số 852/TTg ngày 28/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và giải thể một số Sở thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng (QĐ số 2382/QĐ-UB ngày 11/10/1996) trên cơ sở sát nhập Uỷ ban kế hoạch thành phố và Sở Kinh tế đối ngoại.
Từ ngày thành lập đến nay nhất là những năm gần đây, ngành Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thường xuyên đi đầu trong công cuộc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện tốt vai trò tham mưu tổng hợp về kinh tế xã hội cho thành phố góp phần đáng kể vào công cuộc CNH – HĐH thành phố và đất nước. Trong những năm gần đây sở KH&ĐT đã vinh dự được Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và thành phố Hải Phòng đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí:
Năm 1976: Huân chương lao động hạng ba.
Năm 1990: Huân chương Lao động hạng nhì.
Năm 1995: Huân chương Lao động hạng nhất.
Năm 2000: Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ hai)
Năm 2002: Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Năm 2003: Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ tặng đơn vị dẫn đầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố.
Năm 2004: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong các năm từ 2001-2003.
Năm 2005: Huân chương Độc lập hạng ba.
Và nhiều Bằng khen của UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành Trung ương.
Chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành (1955 – 2005) ngành Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng tiếp tục đổi mới, phát triển góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa thành phố trong thời gian tới
Cách đây 50 năm, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 60-3/TTg ngày 14 tháng 10 năm 1955 về việc thành lập hệ thống cơ quan kế hoạch từ trung ương đến địa phương. Thực hiện Thông tư này, ngày 22 tháng 11 năm 1955, Ban Kế hoạch thành phố nằm trong Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng được thành lập và từ đó hệ thống bộ máy công tác kế hoạch từ thành phố đến các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế cơ sở được hình thành, từng bước được xây dựng và phát triển.
Uỷ ban Kế hoạch thành phố, nay Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân thành phố có chức năng tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; về cân đối kế hoạch XDCB và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thẩm định và đề xuất việc chấp thuận đầu tư các Dự án; Hướng dẫn và quản lý đấu thầu, đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; đề xuất các chủ trương, biện pháp về xúc tiến đầu tư và quản lý các dự án ODA, các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại địa phương; làm đầu mối phối hợp giữa các sở, ngành địa phương thuộc thành phố, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ năm 1955, sau thời kỳ chiếm đóng, khi đó ‘Hải Phòng là thành phố lạc hậu, kinh tế đình đốn, văn hoá – xã hội hủ bại, truỵ lạc… (Nghị quyết Thành uỷ tháng 4/1955); ngành Kế hoạch thành phố đã tham mưu về xây dựng và tổ chức phối hợp thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố Hải Phòng với vị thế của một thành phố Cảng, công nghiệp và quốc phòng trọng yếu. Chủ trương của Thành uỷ ‘Nhanh chóng phục hồi sản xuất, trước hết là tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt là trọng điểm hải cảng’; bao gồm kế hoạch khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1955 – 1957); kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958 – 1960) tập trung giải quyết những vấn đề còn lại của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ nhân dân và bước đầu xây dựng quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới; kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ Hải Phòng, tập trung thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; trong đó cơ chế quản lý kinh tế lấy kế hoạch hóa tập trung với các chỉ tiêu pháp lệnh làm công cụ điều hành nền kinh tế.
Kế hoạch phát triển thời chiến thời kỳ (1966 – 1975): thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III Đảng bộ Thành phố, từ năm 1966 kế hoạch chuyển hướng kinh tế thời chiến nhằm mục tiêu là đáp ứng cao nhất cho yêu cầu vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ thành quả XHCN đã giành được và góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Các kế hoạch ngắn hạn 1969 – 1972 và 1973 – 1975 đã tập trung vào nhiệm vụ cơ bản là khôi phục kinh tế sau mỗi giai đoạn chiến tranh phá hoại và chuẩn bị các dự án lớn phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế – xã hội của một thành phố bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Thời kỳ 10 năm sau thống nhất đất nước (1975 – 1985), trước thời kỳ đổi mới: Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976 – 1980) là kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V Đảng bộ Thành phố với mục tiêu ‘nỗ lực phát huy thế mạnh của thành phố công nghiệp, cảng, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, phát triển văn hoá ở địa phương được cân đối, toàn diện mạnh mẽ, vững chắc’. Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 – 1985) thực hiện đổi mới phương pháp và cơ chế kế hoạch hóa, giảm bớt số chi tiêu pháp lệnh, tăng quyền tự chủ cho địa phương và cơ sở. Thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành uỷ về đổi mới cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã tạo ra những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới cơ cấu nền kinh tế thành phố.
Thời kỳ 20 năm đổi mới (1986 – 2005): Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1986-1990) công tác kế hoạch hóa được đổi mới cơ bản; thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ thành phố và sau Quyết định số 217/HĐBT tháng 11 năm 1987 của Hội đồng bộ trưởng giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, số chỉ tiêu pháp lệnh giảm xuống còn 1 hoặc 2, giảm mạnh bao cấp bù lỗ vốn kinh doanh cho các xí nghiệp và bù lỗ tiêu dùng qua giá, chuyển dần cấp phát ngân sách cho đầu tư sang tín dụng. Trong nông nghiệp, Nghị quyết 10 (khoán 10) đã nhanh chóng vào cuộc sống. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác dần dần được thừa nhận và hợp thức hóa bằng pháp luật. Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1991 – 1995) với mục tiêu tổng quát là ổn định tình hình kinh tế – xã hội và chính trị, sớm thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, tạo tiền đề đẩy nhanh sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Thời kỳ này thành phố đã giành được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, đạt mức tăng trưởng khá cao. Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1996 – 2000) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh nhưng đầy phức tạp; nhiều sự kiện chính trị, kinh tế diễn ra ở các nước thế giới và ở khu vực khó lường trước được, trong đó cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực đã tác động tiêu cực, sâu rộng đến việc làm, đầu tư và xuất khẩu.
Thời kỳ 10 năm (1991 – 2000) thực hiện chiến lược ổn định, phát triển kinh tế – xã hội, nền kinh tế thành phố đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 cũng như đã khắc phục được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực trong những năm 1997, 1998, 1999; và cơ bản đã thực hiện được những mục tiêu lớn của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài từng bước được hình thành, phát triển nhanh, mạnh, tạo sự đổi mới đáng kể của lực lượng sản xuất. Tiềm lực kinh tế có bước phát triển rất quan trọng, nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm là 10,25%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 23,86%, năng suất lúa đạt trên 10 tấn/ha, hàng năm có gần 4000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy thế mạnh công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ và hướng vào xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị nông thôn, hải đảo được đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội như giáo dục – đào tạo, y tế, dân số – kế hoạch hóa gia đình, giải quyết việc làm, báo chí xuất bản, văn học nghệ thuật có nhiều tiến bộ và từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu ngày một cao của nhân dân.
Từ năm 1996, thực hiện hợp nhất Uỷ ban Kế hoạch thành phố Hải Phòng với Sở Kinh tế Đối ngoại thành Sở Kế hoạch và Đầu tư và thành lập phòng Kế hoạch và Đầu tư các quận, huyện, thị. Đổi mới công tác kế hoạch hóa lúc này bao gồm cả việc xây dựng, hoàn chỉnh, tổ chức thực hiện các định hướng lớn và các chính sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế. Cho đến nay vốn FDI đăng ký trên 190 dự án được cấp phép còn hiệu lực đã đạt được hơn 2 tỷ USD (trong đó vốn thực hiện đạt 46%), vốn ODA cam kết là 450 triệu USD tập trung vào các dự án lớn trong năm 1998 – 2000 (trong đó đã giải ngân được 125 triệu USD). Như vậy, với tinh thần chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy và tổ chức quản lý kinh tế chúng ta cũng đã giành được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố Hải Phòng bước vào thế kỷ 21 với tiềm năng và khí thế mới.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá, đến nay, chúng ta có thể vui mừng nhận thấy hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đều có khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế thành phố phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng đạt tốc độ khá cao, bình quân 5 năm đạt 11,1%; hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng lên một bước, vững chắc hơn, bước đầu phát huy rõ vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Các ngành kinh tế chủ lực được tập trung phát triển, một số ngành có sự phát triển đột phá; thị trường trong nước và quốc tế được mở rộng. Huy động vốn cho đầu tư phát triển được chủ động cả về kế hoạch và tổ chức thực hiện tập trung cao, bằng nhiều giải pháp, cơ chế từ các nguồn khác nhau và thông qua các chương trình mục tiêu do các Bộ chuyên ngành quản lý, với tốc độ tăng 18,6%/năm, gấp trên 1,5 lần so với kế hoạch đề ra. Kinh tế đối ngoại và công tác đối ngoại được tăng cường, triển khai đồng bộ. Hội nhập kinh tế quốc tế được chủ động triển khai đạt một số kết quả bước đầu quan trọng; môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, tập trung cải thiện, nâng cao tính hấp dẫn. Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế được hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn, phát triển nhanh, đúng hướng. Khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiềm lực khoa học và công nghệ từng bước được nâng lên. Các hoạt động văn hóa phát triển sâu rộng, khá vững chắc cả về quy mô và chất lượng, một số lĩnh vực có bước phát triển mới; chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được triển khai tích cực. Đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, tạo sự chuyển biến rõ nét, đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Thành phố Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ; đặc biệt là sự kiện Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05-8-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chính phủ ra quyết định công nhận Hải Phòng là đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia, và gần đây nhất, ngày 29/9/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Thành phố Hải Phòng để chỉ đạo một số định hướng lớn trong phát triển kinh tế – xã hội thành phố nhằm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân thành phố nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001-2005 và tạo ra những tiền đề quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch những năm tiếp theo.
Chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 đến nay cơ bản đã hoàn thành dự thảo. Trong đó mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2010 là ‘ Tăng cường đoàn kết, chủ động và sáng tạo phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển toàn diện; cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo tiêu chí của thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, đô thị trung tâm cấp quốc gia; có cảng cửa ngõ Lạch Huyện, cảng tiềm năng Nam Đồ Sơn; văn hóa phát triển thật sự là nền tảng tinh thần xã hội; quốc phòng – an ninh được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020-một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước’.
Trong những năm sắp tới, đất nước ta có những thuận lợi đi liền với những thách thức rất lớn; xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng cấp bách hơn; yêu cầu phát huy tối đa mọi nguồn lực trong nước và thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước là rất cấp thiết. Tận dụng thuận lợi và vượt lên thử thách để đưa thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, xứng đáng là một cực tăng trưởng trong vùng động lực phát triển kinh tế miền Bắc, là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, quân và dân thành phố, trong đó ngành Kế hoạch và Đầu tư có vai trò quan trọng. Kế hoạch hóa phải hướng vào mục tiêu phát huy đến mức cao nhất nội lực của tất cả các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận nhanh và từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức. Kế hoạch hóa phải thực sự đổi mới, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Muốn vậy ngành Kế hoạch phải có những đổi mới căn bản trong cách nghĩ, cách làm; phải nhanh chóng nâng cao trình độ kế hoạch hóa lên một tầm cao mới; tiếp tụchoàn thiện nội dung và phương pháp kế hoạch hóa, nhanh chóng hiện đai hóa công tác kế hoạch để không những phục vụ tốt cho sự lãnh đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố mà còn phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn và tích cực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong một môi trường thông thoáng ‘tiền đăng, hậu kiểm’. Chú trọng đổi mới và trẻ hóa đội ngũ cán bộ; mỗi cán bộ ngành Kế hoạch phải nỗ lực cao hơn để nâng cao trình độ và năng lực công tác sao cho ngày càng vững vàng hơn về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi nghề, thạo ngoại ngữ và tin học, nắm bắt nhanh tiến bộ khoa học – công nghệ và biết ứng dụng kịp thời thời trong công tác kế hoạch hóa và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Để không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác kế hoạch hóa, phương hướng công tác của Sở Kế hoạch và Đầu tư và toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư thành phố trong giai đoạn tới là :
1. Với chức năng phối hợp liên ngành, từ tầm nhìn bao quát, kế hoạch hóa phải biết phát hiện và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kế hoạch hóa phải thực sự là công cụ phối hợp ngay từ đầu kế hoạch phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, là công cụ định hướng cho các thành phần kinh tế cùng phát triển theo mục tiêu chung, nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển. Vì vậy kế hoạch hóa phải bao quát được toàn bộ hoạt động của nền kinh tế trên địa bàn thành phố và sự phối hợp liên vùng, khu vực, cả nước và tranh thủ sự hỗ trợ hợp tác phát triển với các nước, các tổ chức kinh tế quốc tế. Cùng với việc tổng hợp, xây dựng và phối hợp điều hành thực hiện kế hoạch, ngành Kế hoạch và Đầu tư còn phải tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các cấp, ngành thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác, trong đó quan trọng nhất là quản lý nhà nước về đầu tư phát triển, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới phải khắc phục cho được tình trạng đầu tư kém hiệu quả, làm tốt việc thẩm định dự án, quản lý công tác đấu thầu; thực hiện phân cấp và hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đầu tư.
2. Phải lựa chọn đúng các hoạt động ưu tiên nhằm thúc đẩy sự ra đời của cơ cấu kinh tế mới, thích ứng với tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những mũi đột phá tăng trưởng nhanh. Phải nhìn thấy trước và phát hiện ngay những tác dụng tích cực và tiêu cực của cơ chế thị trường để tham mưu đề xuất những chủ trương, chính sách, giải pháp đổi mới trên cơ sở giữ vững nguyên tắc vận dụng cơ chế thị trường có định hướng XHCN, tạo điều kiện cho nền kinh tế thành phố có thể sẵn sàng hội nhập và hội nhập thành công.
3. Thực hiện chức năng chủ yếu của kế hoạch hóa là thúc đẩy hình thành cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ để đảm bảo cho nền kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững. Các cơ cấu luôn được cân đối, điều chỉnh bằng đổi mới cơ cấu đầu tư và chính sách đầu tư theo hướng quy hoạch tổng thể đã được xác định.
4. Hoàn chỉnh và đề xuất tiến độ thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đến 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị đến 2020; rà soát điều chỉnh các quy hoạch chi tiết phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế của các quận, huyện, thị xã; từng bước triển khai cụ thể hóa chiến lược và tầm nhìn bằng xây dựng và thực hiện các kế hoạch 5 năm và hàng năm.
5. Cần coi trọng hơn công tác thông tin và dự báo, tập trung hơn vào việc tổ chức, nghiên cứu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích của địa phương. Xây dựng và cung cấp những dự báo kinh tế – xã hội của thành phố có độ tin cậy cao, cung cấp những thông tin về xu thế phát triển của vùng và cả nước, nhằm giúp cho việc hoạch định các quy hoạch, kế hoạch phát triển, định hướng đầu tư và đề ra những giải pháp thực hiện, những chính sách ưu tiên, xây dựng những dự án, chương trình mục tiêu nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
6. Đối với đội ngũ cán bộ hiện có, cần có chương trình đào tạo và đào tạo lại, đồng thời tuyển mới một số cán bộ trẻ, đào tạo đội ngũ trẻ để đảm bảo họ có thể nhanh chóng kế thừa, đảm nhiệm trọng trách của ngành, góp phần quyết định vào tiến trình hiện đại hóa nhanh ngành kế hoạch và đầu tư của thành phố.
Từ thực tế xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định là 50 năm qua, cán bộ công chức ngành Kế hoạch và Đầu tư rất vinh dự được đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Toàn ngành cũng đã thực sự đổi mới để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Thành uỷ và chính quyền thành phố trong việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Chính phủ, mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Đặc thù lớn nhất và cũng là thử thách lớn nhất của ngành Kế hoạch và đầu tư là luôn phải đi trước thời gian, vượt lên những bề bộn của thực tại để sớm nhận định, đánh giá, dự báo, hoạch định các chiến lược và kế hoạch cho năm sau, thời kỳ sau, giai đoạn sau xây dựng nên các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời Ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan đầu mối, đi đầu trong mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, xúc tiến mời gọi đầu tư, không ngừng cải cách thủ tục hành chính và cải cách chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư.
Trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự phát triển và đổi mới của thành phố, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã ngày càng lớn mạnh và trưởng thành đáng khích lệ; đội ngũ cán bộ chuyên viên không ngừng được bồi dưỡng, đào tạo lại, được bổ sung, tăng cường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển chung của đất nước và thành phố. Đến nay, chỉ tính riêng số cán bộ chuyên viên của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã là 74 người (các chuyên viên trực tiếp làm công tác kế hoạch và đầu tư ở các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở đạt trình độ Đại học, sau Đại học là 100%), trong đó:
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ
+ Tiến sĩ: 02 Đồng chí chiếm 3%
+ Sau đại học: 15 Đồng chí chiếm 20%
+ Đại học: 57 Đồng chí chiếm 77%
(Không kể 8 người trong tổ lái xe, tạp vụ, bảo vệ)
Về trình độ ngoại ngữ
+ 12 đồng chí có bằng đại học Anh văn hoặc tương đương
+ 01 đồng chí có bằng đại học Pháp văn
+ 01 đồng chí có bằng đại học Trung văn
+ 05 đồng chí có trình độ D Nga văn
+ 40 đồng chí có trình độ C Anh văn
Về trình độ lý luận chính trị
+ 15 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân
+ 18 đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp
Tuổi đời bình quân 39,65 tuổi ( Trước năm 2000 là 42 tuổi)
+ Từ 56-60 tuổi: 05 Đồng chí chiếm 6,5%
+ Từ 51-55 tuổi: 11 Đồng chí chiếm 14,5%
+ Từ 41- 50 tuổi: 14 Đồng chí chiếm 18,4%
+ Từ 31-40 tuổi: 20 Đồng chí chiếm 26,3%
+ Dưới 31 tuổi: 26 đồng chí chiếm 34,3%
Nếu tính cả số cán bộ, chuyên viên làm việc ở các Phòng Kế hoạch và Tài chính quận, huyện, thị xã và Phòng kế hoạch các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thì con số cán bộ chuyên viên ngành kế hoạch và đầu tư trên địa bàn thành phố lên tới hàng trăm người. Sở Kế hoạch và Đầu tư và cán bộ công chức ngành Kế hoạch Hải Phòng đã luôn giữ được truyền thống đoàn kết, là một tập thể có kinh nghiệm công tác và trình độ chuyên môn khá cao, có tinh thần trách nhiệm, luôn luôn tin tưởng và trung thành với lý tưởng của Đảng. Có thể khẳng định rằng các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cấp thành phố và các sở, ngành, địa phương luôn hoàn thành nhiệm vụ chức năng làm tham mưu tổng hợp về kinh tế – xã hội cho chính quyền các cấp, xây dựng và phối hợp điều hành kế hoạch, đề xuất và triển khai nhiều biện pháp, chính sách cụ thể đảm bảo thực hiện các mục tiêu quan trọng cho sản xuất, chiến đấu, xây dựng và thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua.
Với những thành tích như trên, Uỷ ban Kế hoạch thành phố Hải Phòng nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành Kế hoạch đã được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý:
+ Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1977);
+ Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1990);
+ Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995);
+ Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai (năm 2000);
+ Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập lại được vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3 của Nhà nước trao tặng (năm 2005);
+ Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố trao tặng bức trướng mang dòng chữ ‘Cán bộ công chức ngành Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng phát huy truyền thống 50 năm đoàn kết – năng động – sáng tạo – đổi mới, vững bước tiến vào thế kỷ 21’.
Cũng nhân dịp này, nhiều đồng chí cán bộ và tập thể của ngành được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen và kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bằng khen của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Có được sự trưởng thành như ngày nay là do ngành Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng luôn nhận được sự lãnh đạo sát sao của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố; sự chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự kết phối hợp cộng tác chặt chẽ của các Bộ, Ban ngành Trung ương, các tỉnh thành phố bạn và Sở, Ban, ngành, quận, huyện, thị xã trong thành phố. Đồng thời còn là công lao đóng góp của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, công chức của Uỷ ban Kế hoạch thành phố (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) qua các thời kỳ, đã cùng với cán bộ công chức toàn ngành tổ chức, xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống quản lý và nội dung công tác kế hoạch hóa. Giờ đây chúng ta có quyền tự hào rằng, khá nhiều cán bộ trưởng thành từ ngành Kế hoạch và đầu tư đã là các cán bộ chủ chốt ở cấp thành phố và các địa phương, có nhiều đồng chí trưởng thành được giữ các vị trí trọng trách trong bộ máy của Đảng và Chính phủ Tất cả cán bộ, công chức đương nhiệm trong ngành kế hoạch Hải Phòng luôn luôn trân trọng và biết ơn các bác, các anh chị lớp cán bộ kế hoạch đi trước, đã nêu những tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm cao, năng lực công tác, năng động sáng tạo; về sự tận tuỵ, gắn bó với ngành và mọi người rất tâm đắc vì có ‘niềm vinh dự lớn lao là đã được làm việc trong ngành Kế hoạch và Đầu tư’.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập cơ quan Kế hoạch thành phố Hải Phòng, chúng ta càng trân trọng và biết ơn Bác Hồ vĩ đại và kính yêu đối với sự nghiệp hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Ngay trong những ngày đầu tiên, sau khi lập chính quyền nhân dân, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam á, trong muôn vàn khó khăn của cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký sắc lệnh số 72/SL ngày 31 – 12 – 1945 thành lập ‘Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc’ để nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch kiến thiết quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch Chính phủ. Để ghi nhớ sự quan tâm sâu sắc và chỉ bảo ân cần của Bác Hồ đối với ngành và cũng để phù hợp với thực tế lịch sử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định lấy ngày 31 tháng 12 năm 1945 làm ngày thành lập ngành Kế hoạch của nước ta. Đây cũng là ngày truyền thống của ngành kế hoạch và đầu tư cả nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành kế hoạch, ngày truyền thống của ngành kế hoạch và đầu tư cả nước, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập cơ quan kế hoạch thành phố Hải Phòng, toàn thể cán bộ công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã và đang quyết tấm phát huy truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, tiếp tục đổi mới và phát triển, xứng đáng với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố về kinh tế – xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng./.
TS. Phạm Vũ Câu
(Nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Uỷ viên Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hải Phòng)