Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC)

Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC)

Indonesia là một thị trường tiềm năng, rộng mở với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở thời điểm bước vào giai đoạn hình thành, thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), đã phát biểu như trên tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Indonesia trong giai đoạn hội nhập ASEAN 2015” diễn ra tại TPHCM sáng 8-5.

Ông Lâm cho biết trong năm 2014 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đạt gần 5,4 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 11,5% so với năm 2013.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Indonesia tại TPHCM, cho biết hai tháng đầu năm 2015 thương mại hai nước đạt hơn 900 triệu đô la Mỹ, tăng 66,16% so với cùng kỳ năm 2014. Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia 563 triệu đô la Mỹ trong hai tháng đầu năm, tăng 45,54% so cùng kỳ. Trong đó, đứng đầu là xuất khẩu điện thoại và linh kiện, chiếm tới 35,4% tổng kim ngạch, đạt hơn 199 triệu đô la Mỹ; sắt thép đứng thứ hai, đạt hơn 95 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 103% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia chủ yếu bao gồm gỗ và các sản phẩm gỗ, dược phẩm, sản phẩm từ cao su… với kim ngạch đạt gần 340 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Ngọc, ngoài những sản phẩm đã xuất khẩu, đạt giá trị cao thì các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (gạo, dầu thô, rau quả), thủy hải sản. Đây là những sản phẩm mà thị trường Indonesia sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu.

“Đơn cử như gạo, Indonesia sản xuất không đủ dùng và đó là thị trường lớn cho Việt Nam. Năm 2013 Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam hơn 960 nghìn tấn gạo trị giá hơn 496 triệu đô la Mỹ, chiếm 18,29% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam,” ông Ngọc dẫn chứng.

Bên cạnh đó, ông Ngọc cho biết thị trường tiêu thụ thực phẩm tươi của Indonesia lớn thứ năm thế giới và đó cũng là cơ hội phát triển kinh doanh cho các công ty trong ngành thực phẩm Việt Nam.

Ngoài ra, ngành thương mại, bán lẻ cũng là một thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận sâu hơn nữa. Ông Ngọc gợi ý doanh nghiệp nên tiếp cận hệ thống siêu thị bởi hệ thống siêu thị ở đây phát triển tốt, các quy định để xâm nhập cũng không quá khó khăn.

Ông Abdulla, Giám đốc đối ngoại Công ty xuất nhập khẩu Halal Việt Nam, cho biết người dân Indonesia đa phần theo đạo Hồi, do đó, giấy chứng nhận Halal chính là giấy thông hành cho sản phẩm Việt và doanh nghiệp Việt khi thâm nhập vào thị trường này.

Được biết, Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”, đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác nhận không có các thành phần bị cấm và đảm bảo sự “tinh khiết” trong suốt quá trình sản xuất.

Để đạt được chứng nhận Halal cho sản phẩm, doanh nghiệp phải trải qua một quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan để được xác nhận rằng sản phẩm của mình không sử dụng các thành phần cấm và điều kiện sản xuất, cung cấp đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.