Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do

Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do

Sáng 24/12, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế tổ chức Hội nghị “Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết” cho […]

Sáng 24/12, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế tổ chức Hội nghị “Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết” cho vùng duyên hải Bắc Bộ. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Công thương và các sở, ban, ngành, các hiệp hội, lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội nghị được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (bao gồm các nước Nga, Belarus,Kazakhstan, Armenia và Kirghizstan)…

Với các nội dung cam kết, Hiệp định TPP dự kiến sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội: về mặt kinh tế, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may và da giày, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Cam kết về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao.

Bên cạnh đó, TPP cũng tạo ra không ít thách thức cho Việt Nam: về hàng nhập khẩu, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP có thếmạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%. Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà Việt Nam đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương. Để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

Từ những cơ hội và thách thức đó yêu cầu các Bộ, ngành cần lưu ý khi ban hành chính sách, pháp luật mới phù hợp với cam kết; vận dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, khai thác cam kết để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp; cải cách hành chính, thuận lợi hóa thương mại. Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh (thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ). Đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần nhận biết được xu hướng tác động của FTA đến địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi FTA. Cần có sự phối hợp với các bộ, ngành đưa thông tin đến doanh nghiệp, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các hiệp định mới có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, hỗ trợ, đổi mới cơ cấu kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các nhà quản lý doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu; cần áp dụng phù hợp hiệp định vào từng địa phương. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là còn hạn chế lao động lành nghề, nên cần cải cách cơ chế giảng dạy, đào tạo đội ngũ lao động lành nghề để có thể đáp ứng được nhu cầu mà TPP đặt ra.

Đỗ Hoàn