Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 12 của Nhật Bản

Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 12 của Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có quy mô kinh tế đứng thứ 3 thế giới tính theo GDP, là nhà đầu tư ra nước ngoài đứng thứ 2 thế giới và nước đứng thứ 4 thế giới về kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ ngày 09 đến ngày 11/3/2015, tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã diễn ra phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 12 của Nhật Bản. Dưới đây là những thông tin chính về kết quả rà soát, được cung cấp trên trang web của WTO:

Kể từ tháng 12 năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã thực thi một chương trình cải cách đầy tham vọng, nhằm khắc phục tình trạng giảm phát và phục hồi nền kinh tế sau hơn một thập kỷ tăng trưởng trì trệ. Chương trình bao gồm “chiến lược ba mũi tên”: nới lỏng tiền tệ (đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% càng sớm càng tốt qua việc mở rộng cơ sở tiền tệ); kích thích tài chính (bổ sung khoảng 100 tỷ đô la Mỹ vào tháng 01 năm 2013 và thêm 53 tỷ vào tháng 12 năm 2013 nhằm kích thích tăng trưởng); và cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và y tế.

Chính sách tiền tệ và tài chính mở rộng đã hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên vẫn chưa đủ để đạt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP Nhật Bản năm 2014 chỉ đạt 0,9% (giảm so với mức 1,5% của năm 2012 và 2013). Các nhà chức trách nhận thấy việc cải cách cơ cấu sâu rộng là cần thiết để giải quyết những tồn tại trong nhiều năm qua và đạt tăng trường bền vững trong tương lai. Tuy đã có một số tiến triển theo chiều hướng này, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tự do hóa thương mại và đầu tư để khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ năm 2011, Nhật Bản liên tiếp rơi vào tình trạng thâm hụt mậu dịch. Năm 2013, chỉ số thâm hụt mậu dịch là lớn nhất từ trước đến nay (118 tỷ đô la Mỹ) dù kim ngạch xuất khẩu tăng lên nhưng kim ngạch nhập khẩu lại ở mức cao nhất. Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng cao, bởi nhiên liệu hóa thạch phải thế chỗ cho năng lượng hạt nhân sau biến cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 và việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khác.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản tiếp tục thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Chiến lược Tái sinh Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi FDI vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ phải tăng cường mở rộng quan hệ đối tác công – tư, theo đó, dự kiến nguồn vốn tư nhân sẽ đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong mười năm tới. Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn thứ hai trên toàn thế giới, đặc biệt tại một số nước ASEAN, nơi mà các công ty con của Nhật Bản thường đóng vai trò đi đầu trong các lĩnh vực như ô tô và điện tử.

Cho tới nay, Nhật Bản đã tham gia 13 Hiệp định Thương mại Khu vực (RTA). Theo đó, Nhật Bản đã loại trừ một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm (và các sản phẩm có liên quan) như thịt và sản phẩm từ thịt, cá và sản phẩm từ cá, sữa, gạo, gỗ dán và da giày v.v. Một số sản phẩm trên cũng không được đưa vào Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) của Nhật Bản.

Trong thời gian rà soát, Nhật Bản đã ký RTA với Úc và đạt thỏa thuận về nguyên tắc với Mông Cổ. Ngoài ra, Nhật Bản đang đàm phán với: Ca-na-đa, Cô-lôm-bi-a, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật Bản cũng đang tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Nhìn chung, chính sách thương mại của Nhật Bản tương đối ổn định trong lúc nước này đang tích cực đàm phán RTA , theo đuổi cải cách trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ WTO.

Mức thuế MFN trung bình mà Nhật Bản áp dụng giảm từ 6,3% (năm 2012) xuống còn 5,8% (năm 2014) do đơn giá của một số sản phẩm nông nghiệp tăng, dẫn đến giảm thuế giá trị tương đương (AVE).

Nhật Bản ít sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Nước này không áp dụng bất kỳ biện pháp tự vệ và đối kháng trong thời gian rà soát, và chỉ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với đi-ô-xít măng-gan điện hóa từ Trung Quốc, Nam Phi và Tây Ban Nha (đã gia hạn 5 năm và sẽ hết hiệu lực vào ngày 5 tháng 3 năm 2019).

Do nhiều nhân tố, yêu cầu SPS và TBT của Nhật Bản thường ngặt nghèo hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, và chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn này khá cao. Cho đến thời điểm 31 tháng 3 năm 2014, có 10.525 Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS), trong đó chỉ có 5.823 tiêu chuẩn tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế, và 97% JIS đã được hài hóa hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, Nhật Bản đang cấm nhập khẩu thịt bò và gà từ nhiều nước để phòng chống sự lây lan của một số dịch bệnh từ động vật, bao gồm bệnh bò điên và cúm gà.
Luật Chống độc quyền được sửa đổi vào tháng 12 năm 2013 nhằm bãi bỏ các thủ tục điều trần của Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) đối với kháng cáo hành chính. Một khi Luật này có hiệu lực, bất kỳ kháng cáo liên quan đến quyết định của Ủy ban này sẽ chịu sự tài phán độc quyền của Tòa án Quận Tokyo nhằm đảm bảo chuyên môn và tăng cường sự công bằng liên quan đến thủ tục.

Mặc dù đã có thay đổi trong vài năm qua, sự bảo hộ đối với ngành nông nghiệp của Nhật Bản vẫn còn cao so với các nước khác. Chính phủ có hướng tới hỗ trợ về thu nhập, song hỗ trợ về giá thị trường vẫn là công cụ chính. Việc này cùng với sự chuyển giao dựa trên đầu ra và đầu vào là một trong những hình thức bảo hộ bóp méo thương mại nhất.

Là một trong những quốc gia tiêu thụ cá và hải sản nhiều nhất thế giới, Nhật Bản áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ ngành thủy sản. Sau những thiệt hại do đợt sóng thần năm 2011, nước này tiếp tục hỗ trợ về ngân sách với mục tiêu hoàn thành khôi phục cơ sở vật chất cảng đánh bắt cá vào cuối năm 2015. Mặc dù mức thuế MFN áp dụng trùng bình đối với cá và sản phẩm cá là 6,2% năm 2014 (tương đương mức thuế năm 2012), hạn ngạch nhập khẩu hiện đang được áp dụng đối với một vài loại cá.

Sau khi đóng cửa nhà máy điện hạt nhân do vụ Fukushima năm 2011, một chương trình tái thiết trọng yếu đã được hoạch định. Luật Kinh doanh Điện có một số sửa đổi nhẳm đảm bảo nguồn cung điện ổn định, giảm thiểu giá thành, mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng và tạo điều kiện kinh doanh.

Trong lĩnh vực tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đã tiến hành sửa đổi quy định về vốn tối thiểu đối với các ngân hàng quốc tế đang hoạt động và có ý định xem xét áp dụng các loại hình vốn và các biện pháp thanh khoản khác, trong khuôn khổ Basel III.

Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã có một thời gian dài trì trệ và phải đối mặt với một số cú sốc lớn trong vài năm qua, nước này tiếp tục duy trì là một nền kinh tế mở và minh bạch, nhưng vẫn duy trì cơ chế bảo hộ trong một số ngành, đặc biệt là nông nghiệp. Một số đặc điểm độc đáo giúp Nhật Bản trở thành nước giàu thứ ba trên thế giới, nhưng một số khác lại làm tăng chi phí xuất nhập khẩu, đầu tư và kinh doanh. Giải quyết những trở ngại này là cần thiết để đẩy mạnh tăng trưởng cao và bền vững hơn, và đây cũng là mục tiêu của mũi tên thứ ba trong chương trình cải cách hiện nay của Nhật Bản.

Cơ chế rà soát chính sách thương mại của WTO

Cơ chế rà soát chính sách thương mại của WTO nhằm 3 mục tiêu: (i) đảm bảo chính sách thương mại của các thành viên được công khai, minh bạch thông qua sự rà soát thường xuyên; (ii) tăng cường hiểu biết giữa các thành viên về các vấn đề thương mại quốc tế; (iii) cho phép đánh giá nhiều bên về tác động của các chính sách thương mại quốc gia trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Việc rà soát chính sách thương mại sẽ do Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (Trade Policy Review Body – TPRB) tiến hành. Cơ quan này bao gồm đại diện của tất cả các thành viên của Đại hội đồng. Tần suất rà soát phụ thuộc vào mức độ chiếm lĩnh thị phần trong thương mại toàn cầu của thành viên. Các thành viên chiếm thị phần lớn, đặc biệt là Canađa, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ được rà soát 2 năm một lần; 16 nước kế tiếp là 4 năm một lần.

Cơ chế rà soát đặc biệt tập trung vào các nước chiếm thị phần lớn trong thương mại toàn cầu tạo nên lợi thế nhất định cho các nước đang phát triển trong việc tìm hiểu chính sách thương mại của các nước phát triển, cũng như đảm bảo sự tuân thủ các hiệp định WTO của các quốc gia có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới.