Năm 2016: hai FTA mới chưa thể có tác động lớn ngay

Năm 2016: hai FTA mới chưa thể có tác động lớn ngay

Vào cuối năm 2015 và năm 2016, có hai hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam mới ký kết bắt đầu có hiệu lực, nhưng hai hiệp định này chưa thể có tác động lớn ngay đối với Việt Nam, theo nhận định của một lãnh đạo Bộ Công Thương.

Cụ thể, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20-12-2015 và FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) dự kiến có hiệu lực vào năm tới.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị “Phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Công Thương và UBND TPHCM tổ chức hôm 28-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết hai hiệp định này chưa thể có tác động rõ và nhanh đối với Việt Nam ngay.

Bởi lẽ, FTA với Hàn Quốc là sự bổ sung cho FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc đã được thực hiện lâu nay. FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc có đem lại giá trị gia tăng, nhưng không giúp gia tăng xuất khẩu một cách đột biến. Giá trị lớn nhất của hiệp định mới này là thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, nhưng tác động này có thể phải đến sau năm 2016 mới thấy rõ.

FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu ban đầu được đánh giá có tác động lớn và tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Lý do là vì khu vực này duy trì mức thuế nhập khẩu tương đối cao, nên khi mức thuế này được cắt giảm hoặc xoá bỏ hoàn toàn sẽ tạo động lực rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, thị trường Nga đang gặp khó khăn, đồng rúp của Nga đang mất giá, do đó sức mua của thị trường Nga đang suy giảm nghiêm trọng.

Do đó, mặc dù hiệp định này dự kiến có hiệu lực vào năm 2016 với việc hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này được giảm hoặc đưa về 0% (tuỳ từng mặt hàng- PV) nhưng cũng chưa thể có tác động ngay trong năm 2016, mà có thể ở những năm tiếp theo.

Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tại hội nghị, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), cho biết TPP dự kiến sẽ được ký kết vào quí 1-2016. Sau đó, các nước thành viên TPP sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định này, theo đó dự kiến hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2018.

Chính phủ sẽ hỗ trợ gì cho DN về TPP?

Tại hội nghị hôm 28-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, quá trình giảm thuế, mở cửa thị trường dịch vụ… (theo cam kết trong TPP) sẽ khiến sức ép cạnh tranh tăng lên, một số ngành ở các nước tham gia TPP sẽ gặp khó khăn. Chính phủ của một số nước đã có những chương trình để hỗ trợ từng ngành gặp khó khăn đó.

Họ có thể hỗ trợ dưới một số hình thức. Hình thức đầu tiên là cung cấp thông tin, giải thích (cho doanh nghiệp, người dân biết) sức ép đến từ đâu, đến dưới hình thức nào. Hình thức thứ hai là thông qua khoản trợ cấp đặc biệt, chẳng hạn như chính phủ một số nước cam kết một khoản tiền để hỗ trợ nông dân cân đối sản xuất. Thứ ba là các nước TPP cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho nhau, như hỗ trợ kỹ thuật để làm sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nắm bắt đầy đủ hơn cơ hội mà TPP đem lại, hay hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các cơ quan quan lý nhà nước xây dựng các chương trình để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy ông Khánh cho biết ông nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào những hình thức hỗ trợ như cung cấp thông tin, tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể chuyển đổi cơ cấu.

Theo ông Khánh, để doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, trước hết cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Chẳng hạn việc tham gia TPP sẽ tạo sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tạo thị trường cho sản phẩm xuất khẩu, nên đây là một hướng để nông dân chuyển dịch sản xuất.

Ngoài ra, theo ông Khánh, khi TPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực, uỷ ban thực thi hiệp định sẽ có nhiệm vụ lên danh sách các chương trình hỗ trợ cụ thể. Hiện nay Việt Nam chưa đưa ra danh sách chương trình hỗ trợ này vì FTA VN-EU và TPP chưa có hiệu lực.

“Khi ủy ban này hoạt động, chúng tôi sẽ cùng các nước lên danh sách các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia TPP, FTA VN-EU. Đây là những giải pháp mà Việt Nam có thể sử dụng để hỗ trợ”, ông Khánh nói.

“Trong 5-7 năm tới nếu Việt Nam có điều kiện về ngân sách, tôi tin rằng Chính phủ cũng có chương trình hỗ trợ (trợ cấp – PV) người nông dân chuyển đổi cơ cấu”, ông Khánh nói và cho biết thêm hỗ trợ theo hình thức trợ cấp này không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như TPP vì hỗ trợ chung, chứ không nhằm mục đích tăng xuất khẩu, hay nội địa hóa.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online