Cuộc đàm phán TPP ở Hawai chưa đạt được kết quả cuối cùng

Cuộc đàm phán TPP ở Hawai chưa đạt được kết quả cuối cùng

3Theo New York Times ngày 1/8/2015, đàm phán thương mại của 12 quốc gia Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng vào 31/7, với những bế tắc về sự bảo hộ cho các công ty dược và tiếp cận thị trường nông nghiệp ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng Thương mại, trong một tuyên bố chung cho biết họ đã “đạt được tiến bộ đáng kể” và sẽ trở về nước để xin chỉ thị của cấp cao đối với một số nhỏ các trở ngại cuối cùng về thỏa thuận TPP, với các cuộc đàm phán song phương sẽ sớm được triệu tập.

Tuy nhiên, đây là một thất bại đối với chính quyền Obama vì đã xúc tiến cuộc đàm phán này như là vòng đàm phán cuối cùng về một thỏa thuận sẽ ràng buộc 40% kinh tế thế giới theo một tập hợp các quy định mới cho thương mại. Cuối cùng, một thỏa thuận với các chính sách của thế kỷ 21 về truy cập Internet, dược phẩm tiên tiến và kinh doanh năng lượng sạch bị nhấn chìm bởi những vấn đề đã gây khó cho thương mại quốc tế trong nhiều thập kỷ qua như tiếp cận thị trường sữa ở Canada, thị trường đường ở Mỹ và thị trường gạo ở Nhật Bản.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand, người kiên trì đòi có sự tiếp cận tốt hơn cho xuất khẩu sữa của New Zealand, cho biết “Không, chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi thỏa thuận này”. Australia, Chile và New Zealand tiếp tục chống lại sự thúc ép của Hoa Kỳ đòi bảo hộ tài sản trí tuệ của các công ty dược lớn lên tới 12 năm, che chắn cho họ khỏi bị cạnh tranh chung và bù đắp các chi phí phát triển các loại thuốc sinh học của thế hệ tiếp theo.

Tổng thương mại không tính dịch vụ của Mỹ năm 2014 với Canada là $658 tỷ, Mexico $534 tỷ, Nhật Bản $201 tỷ, Singapore $47 tỷ, Malaysia $44 tỷ, Australia $37 tỷ, Việt Nam $36 tỷ, Chile $26 tỷ, Peru $16 tỷ, New Zealand $8 tỷ và Brunei 0.6 tỷ.

Các bộ trưởng thương mại đã đạt được một số thành công như thỏa thuận rộng về bảo vệ môi trường cho một số các hệ sinh thái nhạy cảm, đa dạng và bị đe dọa nhất trên trái đất, kết thúc được một trong những chương gây tranh cãi nhất của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Họ cũng đạt được thỏa thuận về cách ghi nhãn xuất khẩu với các “chỉ dẫn địa lý” riêng biệt như liệu rượu vang sủi bọt có thể được gọi là champagne hay không. Và họ đã đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử và các quy tắc xử lý sự xung đột lợi ích đối với các trọng tài của các tòa ngoài khu vực tư pháp (extrajudicial) để nghe khiếu nại của các công ty về việc đầu tư của họ đã bị thiệt hại bởi những hành động bất công của chính phủ.

Nhưng việc không hoàn thành thỏa thuận sau tám năm thương lượng có nghĩa là vòng tiếp theo sẽ đẩy cuộc chiến phê chuẩn của Hoa Kỳ sang năm 2016, một năm bầu cử tổng thống. Hầu hết các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa rất có khả năng ủng hộ nó, nhưng một thỏa thuận cuối cùng sẽ buộc ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Hillary Rodham Clinton phải tuyên bố lập trường của mình. Việc thúc đẩy TPP đã gây chia rẽ Đảng Dân Chủ của Tổng thống Mỹ. Chậm trễ hơn nữa sẽ làm tăng khả năng thỏa thuận này có thể sẽ được phê chuẩn bởi người kế nhiệm của ông Obama, cũng như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của George Bush đã được ký bởi Bill Clinton.

Sự thất bại của cuộc đàm phán Maui cho thấy những khó khăn cực kỳ của việc đạt được thỏa thuận với nhiều quốc gia với mỗi nước đều có những vấn đề chính trị của riêng mình. Việt Nam, Malaysia và New Zealand đã sẵn sàng có những nhượng bộ đáng kể để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Nhưng đối với Thủ tướng Canada, Stephen Harper, đang phải chiến đấu cho sự tồn vong chính trị của ông trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 10 này, Canada sẽ không nhúc nhích thêm về mở cửa thị trường gia cầm và sữa của mình. Chile, với một chính phủ trung-tả mới và các hiệp định thương mại tự do đã có với mỗi quốc gia trong TPP, thấy không có lý do gì để thỏa hiệp, đặc biệt là yêu cầu của nó đòi có thời gian bảo hộ ngắn cho các công ty dược lớn của Mỹ. Đoàn đại biểu của Australia nhấn mạnh rằng bảo vệ thị trường dược phẩm quá 5 năm sẽ không bao giờ được Quốc hội thông qua, trong khi Hoa Kỳ yêu cầu 12 năm.

Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng kinh tế Mexico kiên quyết chống lại việc xe hơi xuất khẩu Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu xuất xứ 65% từ TPP.

Điểm sáng là các cuộc đàm phán về môi trường. Chương môi trường đã hoàn thành sẽ bao gồm buôn bán trái phép động vật hoang dã, quản lý lâm nghiệp, đánh bắt quá mức và bảo vệ biển, và nó có thể cho thấy là một cột mốc, thiết lập một tiêu chuẩn sàn mới cho tất cả các hiệp ước đa phương trong tương lai.

Theo thỏa thuận, 12 quốc gia, từ rừng Peru đến Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, phải cam kết tuân thủ các hiệp ước buôn bán động vật hoang dã hiện có và luật môi trường của mình. Các trợ cấp phá hoại môi trường như nhiên liệu giá rẻ để cung cấp năng lượng cho tàu đánh bắt cá bất hợp pháp và hỗ trợ đóng thuyền của chính phủ cho vùng biển bị đánh bắt quá mức, bị cấm. Chương này nêu rõ việc “bảo tồn lâu dài các loài có nguy cơ diệt vong” như rùa biển, chim biển và động vật biển có vú và “loại sinh vật biển mang tính biểu tượng như cá voi và cá mập”. Việc không tuân thủ sẽ được xử lý theo một trình tự được quy định trong hiệp định thương mại, có khả năng bị trừng phạt thương mại. Hoa Kỳ hy vọng sự đe dọa trừng phạt kinh tế sẽ hỗ trợ cho các bộ môi trường tương đối yếu ở các nước như Peru, Malaysia và Việt Nam.

Tác động của chương môi trường của TPP có thể là rộng, cho cả các quốc gia trong và ngoài thỏa thuận. 12 nước TPP chiếm hơn một phần tư thương mại thủy sản toàn cầu và khoảng một phần tư sản xuất gỗ và bột giấy trên thế giới. 5 trong số các nước này được xếp hạng nằm trong số có đa dạng sinh học nhất thế giới. Theo các điều khoản của hiệp định mới, các nước thành viên sẽ phải tăng cường thanh tra tại cảng và kiểm tra tài liệu. Điều khoản này có thể mở rộng phạm vi của thỏa thuận ra ngoài 12 quốc gia. Thu hoạch động vật hoang dã và gỗ bất hợp pháp đang trên đường đến các quốc gia như Trung Quốc đi qua các cảng của 12 quốc gia. Và các quốc gia TPP phải có hành động nếu họ phát hiện hàng lậu đã được khai thác trái phép, ngay cả khi sản phẩm đó không bị coi là bất hợp pháp ở đất nước của họ.

Các nhà đàm phán nói rằng họ đã thu hẹp đáng kể số lượng các vấn đề tồn động. Họ cam kết sẽ tiếp tục giữ tiến độ đàm phán. Nhưng, như một quan chức cho biết, nếu các cuộc đàm phán bị gián đoạn lâu, thì sẽ có nhiều quốc gia nói không hơn là nói có đồng ý.

Nguồn: Đại Sứ quán Việt Nam tại Chi-lê, ngày 02/8/2015.