Tăng cường thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế

Tăng cường thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế

Trong khi Việt Nam đang chạy nước rút để tiến tới hội nhập kinh tế với các nước Đông – Nam Á thì các doanh nghiệp (DN) lại nắm thông tin không đầy đủ về hội nhập. Việc thông tin về các Hiệp định sắp được ký kết là cần thiết, nhưng thông tin những gì cho DN vẫn là vấn đề được quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất mù mờ về thông tin hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, Đề án “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế” đang được triển khai đến nhiều đối tượng, mục đích là tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, DN để có kế hoạch tổng thể về công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Việt Nam đã gia nhập WTO từ lâu, các chuyên gia nhìn nhận chúng ta đang tham gia sâu, rộng vào hội nhập quốc tế nhưng sâu ra sao, rộng thế nào thì chưa ai biết cụ thể. DN Việt Nam chưa nắm bắt cụ thể về những thông tin hội nhập là có cơ sở vì những nguyên tắc, quy định rất nhiều, khó mà hiểu biết hết. Chẳng hạn, Việt Nam gia nhập WTO với 11 nghìn trang tài liệu, nắm bắt hết những thông tin trong tài liệu này chỉ có các chuyên gia, còn các DN và người dân khó mà biết đầy đủ thông tin trong đó, nhất là những thông tin về rào cản kỹ thuật khi xuất, nhập khẩu hàng hóa. “Từ nay đến hết năm 2015 không còn nhiều thời gian, do vậy các ban, ngành, tổ chức, chuyên gia cần phổ cập nhanh thông tin đến DN, người dân để họ nắm bắt cụ thể về hội nhập”, – đồng chí Nguyễn Thị Hồng đề xuất.

Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO của TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình hội nhập đã đến sau lưng DN nhưng rất nhiều đơn vị, nhất là các DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố vẫn chưa nắm rõ các thông tin cơ bản về hội nhập. TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 3.500 DN đang rất cần thông tin về quy định thương mại, xuất xứ hàng hóa, chính sách thuế quan, thông tin từ nhóm hàng, từng thị trường… để điều tiết sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Còn theo một DN dệt may ở quận Tân Phú, giới DN nhỏ và vừa còn khá mơ hồ về các luật định khi Việt Nam gia nhập nền kinh tế chung với các nước ASEAN. Việc chưa nắm hết thông tin về thuế quan, thủ tục hải quan, thị trường là bất lợi lớn, vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách giúp đỡ nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác cho nhà sản xuất. Thay mặt Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, bà Lý Kim Chi cho rằng, hiệp hội hiện có hơn 80% số DN là vừa và nhỏ, các DN này hiện vẫn chưa tiếp cận được một cách đầy đủ thông tin về hội nhập. Mới đây một DN hội viên đã nhập khẩu máy từ Nhật Bản và được miễn giảm 10% thuế nhưng chủ DN này không biết thông tin nên đã đóng đủ thuế, như vậy là bất công. Đa số DN hiện nay rất cần những thông tin khi hội nhập như lộ trình về thuế, hải quan, thị trường.

Tại tỉnh Đồng Nai, dù là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp nhưng hiện chỉ mới có các DN có vốn dầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là nắm khá rõ về hội nhập, riêng các DN nhỏ và vừa thì còn rất mơ hồ. Đồng chí Dương Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết từ năm 2000, các DN trong lĩnh vực FDI ở Đồng Nai đã tổ chức tìm hiểu về hội nhập và đã sẵn sàng để gia nhập thị trường chung khi các hiệp định được ký kết. Đối với DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, mặc dù đã được tập huấn, tuyên truyền về hội nhập nhưng thông tin về hội nhập mà DN nắm được là rất ít. Giáo sư, tiến sĩ Đoàn Thị Hồng Vân, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thông tin về hội nhập rất nhiều do đó cần phổ biến trước về hiệp định gì sắp ký, ảnh hưởng đến DN và người dân ra sao để truyền thông cho từng đối tượng. Người Việt rất hay lạc quan tếu, rất nhiều DN đã nói với chúng tôi rằng, việc gì đến sẽ đến, lo trước không giải quyết được gì, những suy nghĩ như vậy là không ổn”.

Khi kinh tế Việt Nam hội nhập với các nền kinh tế khác, những quy định song phương hay đa phương đã ký kết buộc phải tuân thủ và được đối xử công bằng như nhau. Vì vậy, các DN trong nước cần chuẩn bị tốt về tinh thần, kế hoạch kinh doanh để cùng làm ăn với DN các nước. Để DN tiếp cận thông tin về hội nhập một cách đầy đủ, nhanh và chính xác, từng DN, từng ngành hàng phải nêu những thuận lợi, khó khăn khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập. Từ nhu cầu thực tế ấy, các cơ quan chuyên trách của chính quyền thành phố sẽ tập hợp lại rồi phối hợp các cơ quan có thẩm quyền cao hơn có lộ trình cung cấp thông tin đầy đủ đến với nhà sản xuất, kinh doanh.

ĐẠI ĐỒNG