Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(Haiphong.gov.vn) – Chiều 22/4, tại Hà Nội, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì Hội nghị.

Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Thành ủy và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương.

Quang cảnh Hội nghị tai điểm cầu Hải Phòng.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo nội dung chủ yếu trong Chỉ thị 32 của Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham luận các giải pháp và kiến nghị, đề xuất để gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, các địa phương ven biển, ngư dân nhận thức rõ ảnh hưởng đối với hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Từ đó, kịp thời có thay đổi về nhận thức, hành động và ngày càng chuyển biến thực chất hơn. Tuy nhiên, do còn một số hạn chế nên EC chưa gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu ngư dân và vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Các đợt kiểm tra trước đây của EC nêu rõ một số kiến nghị liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; theo dõi, quản lý đội tàu; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản và hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan chức năng…

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Phòng.

 

Với quyết tâm, hành động quyết liệt, Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản IUU. Cần nghiên cứu kinh nghiệm, cách làm hay của các quốc gia từng nhận cảnh báo và đã gỡ thành công “thẻ vàng” của EC để vận dụng, thực hiện trong thời gian tới. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, cần có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế.

Để gỡ “thẻ vàng”, các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội và từng ngư dân. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm.