Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024

– Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự tại điểm cầu Hải Phòng có lãnh đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục thuế Hải Phòng.

 

Anh-tin-baiHội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024.

Năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%. Dự toán cho NSNN là 2,12 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%. Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6 GDP. Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán NSNN năm 2024 Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Tài chính xác định mục tiêu tổ chức điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

 

Anh-tin-baiDự tại điểm cầu Hải Phòng có lãnh đạo Sở Tài chính, Cục thuế Hải Phòng.

 

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, Bộ Tài chính xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung vào việc tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất; quản lý chi NSNN chặt chẽ; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công; bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…/.