Hải Phòng tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư

Xin ông cho biết một số nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.Hải Phòng 9 tháng đầu năm 2022?

Chín tháng đầu năm 2022, tổng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn TP.Hải Phòng đứng vị trí thứ 05 trên toàn quốc với số vốn thu hút gần 1,25 tỷ USD, bằng 45,97% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 50,12% kế hoạch năm 2022.

Các dự án 9 tháng đầu năm cơ bản đi đúng định hướng thu hút đầu tư; trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm đa số với 39,29% về số dự án và 46,53% về số vốn; đầu tư cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 53,57% về số dự án và 86,21% vốn trên tổng số các dự án đã được cấp mới trong kỳ.

Đặc biệt, đã có 01 dự án trong lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao (Dự án Sản xuất chế tạo và tiêu thụ thiết bị bay không người lái của nhà đầu tư Autel Robotics Hainan Company Limited (Trung Quốc) với vốn đầu tư 90 triệu USD); 01 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở và các công trình phụ trợ phục vụ cho người lao động của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (Đài Loan) với vốn đầu tư 68,3 triệu USD. Ngoài ra còn có một số dự án đầu tư kho bãi với số vốn đầu tư trên dưới 30 triệu USD/ dự án của các nhà đầu tư Singapore, Hong Kong. Qua đó tạo tiền đề phát triển hệ thống hạ tầng logistics hiện đại thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận cho 01 nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh, vận hành, quản lý công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo) với số vốn đầu tư đăng ký gần 20 triệu USD. Qua đó, tạo được quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.

Về thành lập DN, số lượng DN thành lập mới 9 tháng đầu năm tại thành phố đạt 2.452 DN, tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 81,73% kế hoạch năm 2022. Hiện nay, 51 thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký DN đã thực hiện giải quyết 100% qua môi trường mạng cấp độ 4. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cục Thuế thành phố thực hiện cấp mã số thuế tự động cho DN ngay trong ngày làm việc, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới DN rút ngắn còn 1,5 ngày làm việc so với 3 ngày, giảm 50% về thời gian theo quy định. Trên 80% kết quả TTHC về đăng ký DN đã được trả qua dịch vụ bưu chính công ích.

TP.Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển DN đến hết năm 2022 ra sao, thưa ông?

TP.Hải Phòng đặt mục tiêu thành lập 3.000 DN với số vốn điều lệ 31 nghìn tỷ đồng và thu hút 2,5 đến 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2022. Trong đó, thu hút một số tập đoàn lớn lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, gắn với trung tâm nghiên cứu và phát triển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có cam kết về tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ. Hiện nay thành phố đã có một số nhà đầu tư tiềm năng đang khảo sát, nghiên cứu trong các lĩnh vực logistics, vận chuyển hàng hóa để sớm có đề xuất đầu tư phù hợp.

Việc kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông liên kết 04 tỉnh Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ mang đến cho thành phố các cơ hội gì? TP.Hải Phòng đã chuẩn bị thế nào để đón đầu những cơ hội này, thưa ông?

Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông đã được ký kết. Thời gian tới, Hải Phòng sẽ cùng các địa phương Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo thành một không gian kinh tế mới với môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo đó, thay vì từng địa phương đơn phương phát huy thế mạnh của mình như trước đây thì 04 địa phương sẽ cùng đầu tư phát triển như một thế mạnh của tiểu vùng. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu và lợi ích mang lại. TP.Hải Phòng sẽ có cơ hội tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư với một số lợi thế sau:

– Kết cấu hạ tầng giao thông và logistics liên vùng đồng bộ; hệ thống cảng biển quốc tế nước sâu Lạch Huyện gắn các trung tâm logistics lớn; trục đường cao tốc chất lượng cao nối thủ đô Hà Nội; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái và các tuyến đường quốc lộ liên tỉnh như QL.10, QL.37, QL.17B, QL.5.

– Nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo chuyên sâu theo các nhóm ngành mũi nhọn bổ sung từ các cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực liên kết với tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.

– Môi trường sống đầy đủ tiện ích kết hợp với các cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế.

Đón đầu các cơ hội này, đồng thời khắc phục tồn tại và phát huy lợi thế của mình, TP.Hải Phòng sẽ kiến nghị

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình kết nối giữa các địa phương, kết nối liên vùng.

Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng sẽ xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200ha; chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất cho các cơ sở kinh doanh với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ để mời gọi đầu tư. Trong đó chú trọng vào các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi liên kết; khuyến khích đầu tư thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cùng với đó là các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư như: Xây dựng các tiện ích, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư triển khai một số dự án nhà ở xã hội tại các địa bàn gồm: Quận Ngô Quyền, quận Hải An,…

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng số hóa, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài với phát huy nội lực của DN nội địa có vai trò “vệ tinh” giúp giảm chi phí sản xuất, từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các hoạt động kết nối thiết thực.

Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt để Hải Phòng trở thành nơi sinh sống và làm việc hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.

Từ năm 2020, Hải Phòng đã triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Đến nay, chỉ số DDCI của thành phố đã được hoàn thiện thế nào để góp phần tác động tích cực đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)?

Năm 2020, lần đầu tiên việc đánh giá DDCI được thực hiện đã đánh dấu bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của Hải Phòng hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Với góc nhìn hoàn toàn mới về phương pháp luận, sau thời gian triển khai, DDCI đang dần khẳng định vai trò là một trong những cán cân đo lường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính quyền. Cùng với các chỉ số quan trọng khác như chỉ số CCHC (Par Index); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI),… DDCI là tiếng nói phản ánh cảm nhận, đánh giá về những lợi ích, hiệu quả mà chính quyền mang lại trong quá trình thực thi chính sách, từng bước thay đổi từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”.

Sau 01 năm công bố, DDCI đã cho thấy nỗ lực xích lại gần hơn với DN; tích cực đổi mới, cải cách TTHC; năng động trong quản lý, điều hành; triển khai, nhân rộng nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ DN và các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kết quả xếp hạng PCI 2021 của TP.Hải Phòng đứng thứ 02 toàn quốc và xếp hạng CCHC giữ vị trí “quán quân” đã cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Qua đó từng bước hiện thực hoá mục tiêu xây dựng TP.Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc bộ và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.