Trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 9/5, tại điểm cầu Hải Phòng, các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương; trên 8.000 doanh nghiệp toàn quốc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng

Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội toàn cầu, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng cung và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần 130.000 daonh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy: Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp bị giảm mạnh còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số doanh nghiệp.

Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động. Gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến hết ngày 20/3, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đạt gần 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4%; quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh…

Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục và sản xuất. Ngay từ khi dịch COVID-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phối hợp với các bộ ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành như các chính sách về giảm chi phí đầu vào; các chính sách về miễn, giảm phí, lệ phí; các chính sách về giảm giá hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhóm chính sách tài khóa; hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh; về tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường… Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ khi kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng

Tại Hải Phòng, tính đến nay đã có 26 doanh nghiệp kiến nghị với tổng số 37 khó khăn, vướng mắc được yêu cầu xem xét giải quyết. Các kiến nghị được tổng hợp theo 9 nhóm gồm: Cấp hạn mức tín dụng, giảm lãi suất vay vốn, giãn thời gian trả nợ cho các khoản vay trung hạn và dài hạn. Giảm tiền thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giảm phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và doanh nghiệp. Giảm thuế, các chính sách ưu đãi về thuế. Hỗ trợ phí lưu kho bãi do thời gian kiểm tra, kiểm dịch vật tư, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kéo dài. Nhập cảnh cho lao động người nước ngoài đến từ các vùng dịch; cấp phép nhân viên kỹ thuật người nước ngoài sang làm việc; cho phép cho chuyên gia Trung Quốc được tạm trú trong ký túc xá công ty; cấp thị thực nhập cảnh; xem xét cho cán bộ, nhân viên của Công ty từ ngoại tỉnh được đến doanh nghiệp làm việc và ra ngoài thành phố để giải quyết công việc quan trọng. Kiểm dịch, thông quan hàng hóa nhanh nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế hàng Trung Quốc; tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước. Giới thiệu, hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm nhà cung cấp khẩu trang để cấp phát cho người lao động…

Đến nay 11 đơn vị liên quan đến giải quyết kiến nghị đã có văn bản trả lời trực tiếp doanh nghiệp và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND thành phố đề nghị: Chính phủ cho phép cấp mới hoặc cấp lại Giấy phép lao động cho lao động nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch đã ở Việt Nam từ trước Tết Nguyên đán hoặc nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 10/3/2020 đã thực hiện đủ thời gian cách ly y tế trên 14 ngày theo quy định. Bộ Giao thông vận tải xem xét miễm, giảm phí cầu đường trên các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; quốc lộ 5, quốc lộ 10 và tuyến cao tốc nối thành phố Hạ Long với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cùng phí bảo trì đường bộ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng

Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố nêu bật những kết quả đạt được của thành phố trong việc phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời chỉ rõ, từ thực tiễn của thành phố, tại Hội nghị Thành ủy vừa qua đã thống nhất: không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2020 đã đề ra. Hải Phòng thống nhất cao với nhận định của Chính phủ, đó là: đại dịch đã gây khó khăn rất lớn cho việc phát triển kinh – tế xã hội, nhưng cũng xuất hiện những cơ hội mới cho những nền kinh tế đang phát triển, như nước ta. Vì vậy, thành phố Hải Phòng có chủ trương: tận dụng mọi cơ hội trong hoàn cảnh hiện nay để phát triển.

Hải Phòng đã và đang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, để các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai nhanh các dự án đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành hạ tầng các khu công nghiệp, để đón nhận sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam. Thành phố đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng thêm một số Khu công nghiệp mới. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tập đoàn tư nhân trong nước đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, quan tâm và giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến các dự án mới về xây dựng các khu công nghiệp và các dự án nêu trên của các nhà đầu tư, mà thành phố đã trình.

Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hội nghị là cuộc thảo luận dân chủ với các doanh nghiệp, đã thành lập trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để tiếp tục phát triển kinh tế. Thủ tướng khẳng định COVID-19 là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội nếu biết tận dụng thời cơ, cơ hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp của các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần lắng nghe để Chính phủ có Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đây là cơ hội để chúng ta không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin, mà còn là bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động của chúng ta. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển của bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần “xắn tay” vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa.

Nguyễn Hải – Tiến Thành