Thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh tại Hải Phòng: Tạo tiêu chí cụ thể, cơ chế khuyến khích

Hiện nay, trong giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và giới đầu tư kinh doanh bất động sản, cụm từ kiến trúc xanh trở nên quen thuộc và phổ biến. Để hiểu rõ hơn về xu hướng kiến trúc này, phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với KTS Hoàng Quốc Việt, ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Hải Phòng, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ KTS trẻ Hải Phòng.

Trụ sở Công ty Hoàng Lộc (xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên) được xây dựng theo hướng kiến trúc xanh. 

– KTS nhận định ra sao về nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc xanh là xu thế tất yếu của phát triển đô thị hiện đại ?

– Khái niệm về kiến trúc xanh (KTX) xuất hiện ở nước ta vào khoảng năm 2010 qua các tác phẩm kiến trúc của KTS Võ Trọng Nghĩa. Từ năm 2011 đến nay, KTX phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng kiến trúc tiến bộ, được giới KTS hưởng ứng và xã hội quan tâm. Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về KTX. Theo cách hiểu đơn giản nhất, KTX là xu hướng kiến trúc tạo ra không gian sinh hoạt nhiều tiện ích cho con người theo cách ít gây hại tới môi trường. Loại hình kiến trúc này hướng đến sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên, đáp ứng điều kiện vận hành của đô thị và công trình.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế phát triển, nhu cầu sống của người dân cũng thay đổi theo chiều hướng cao hơn. Việc xây dựng nhà không chỉ dừng lại đáp ứng nhu cầu ở, mà đòi hỏi phải có không gian, môi trường sống. Bên cạnh đó, từ thực tế tác động của các công trình xây dựng tới môi trường trong suốt thời gian qua đòi hỏi việc thay đổi phương pháp xây dựng, kỹ thuật, công năng của các công trình. Vì vậy, việc nhận định KTX là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị hoàn toàn hợp lý. Riêng đối với Hải Phòng đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ như hiện nay, để đạt mục tiêu xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, thì phát triển KTX càng cần thiết.

– KTS đánh giá thế nào về việc phát triển KTX trên địa bàn thành phố hiện nay?

– Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều dự án, công trình được triển khai theo hướng KTX như các dự án lớn của Sun Group, Flamingo Group tại Cát Bà (huyện Cát Hải), khu đô thị Quang Minh Green City (huyện Thủy Nguyên), trụ sở làm việc của Công ty TNHH Hoàng Lộc… và một số công trình nhà ở và quán cà phê tại quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng… Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của tôi, so với các thành phố lớn khác như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…phát triển KTX ở Hải Phòng còn hạn chế. Nhất là, chưa có công trình kiến trúc nào đoạt giải KTX theo các quy chuẩn của Hội KTS ViệtNamquy định.

Có nhiều yếu tố khiến KTX chậm được triển khai trên địa bàn thành phố. Trước hết từ phía các chủ đầu tư. Đối các dự án kinh doanh, yếu tố lợi nhuận được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, chi phí thực hiện công trình KTX khá lớn (cao hơn khoảng 15% so với công trình thông thường). Chưa kể, chi phí vận hành công trình theo xu hướng KTX cũng tốn kém hơn. Bên cạnh đó, khách quan mà nói, so với giới KTS các thành phố lớn khác, giới KTS Hải Phòng tiếp cận KTX muộn hơn. Trong khi đó, với địa phương có điều kiện khí hậu mùa xuân nồm ẩm, việc xây dựng phương án thiết kế hiệu quả nhất để phù hợp với thời tiết khá khó khăn. Ngoài ra, còn các khó khăn khác như nguồn nguyên vật liệu xanh thay thế hạn chế, công nghệ xây dựng chưa thật phát triển…

– Vậy theo KTS, giải pháp nào để KTX phổ biến hơn trên địa bàn thành phố?

– Như tôi phân tích ở trên, để phát triển KTX cần nhiều yếu tố. Hiện, chưa có quy định nào về việc các công trình, dự án phải thực hiện KTX. Trường hợp có luật quy định, chỉ khả thi đối với các công trình, dự án lớn nhiều ảnh hưởng đến kinh tế -xã hội của địa phương, hoặc các công trình đầu tư từ ngân sách. Đối với các công trình nhà ở của người dân rất khó áp dụng. Do đó, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của các chủ đầu tư về vấn đề này.

Để thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, bên cạnh sự cố gắng của các KTS, cần sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan quản lý, quy hoạch. Trong đó, thành phố cần có định hướng chung phát triển KTX trên địa bàn. Tôi nghĩ điều này không khó, khi mục tiêu phát triển đô thị của thành phố đã rõ, chỉ cần cụ thể hóa thêm các tiêu chí phát triển đô thị xanh gắn với các công trình, dự án trên địa bàn. Đồng thời, cũng cần có chính sách khuyến khích, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư, chủ sở hữu công trình đối với việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; ban hành cơ chế cụ thể gắn với đầu tư xanh với gia tăng lợi nhuận và giá trị bất động sản. Đồng thời, thực hiện tốt quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tiếp tục quan tâm hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng vì đây là điều kiện đủ để thúc đẩy KTX phát triển…

Trước mắt, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo một số công trình công cộng hiện hữu theo KTX, vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng, thu hút sự quan tâm của giới KTS cũng như các nhà đầu tư; giao cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng nhà cao tầng theo hướng KTX trên địa bàn thành phố; có thêm cơ chế thúc đẩy sản xuất nguyên vật liệu thân thiện với môi trường…

Riêng giới KTS chúng tôi cố gắng học hỏi thêm để góp phần phát triển mạnh mẽ xu hướng này trên địa bàn thành phố. Với tốc độ bứt phá về kinh tế -xã hội của thành phố hiện nay, tôi tin rằng trong 1-2 năm tới, nhu cầu KTX trên địa bàn thành phố tăng nhanh.

– Trân trọng cảm ơn KTS!

Bài: Hà Minh (thực hiện) – Ảnh: Trung Kiên