Hải Phòng triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020: Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Ngày 31-10-2019, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 8261 về tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”. Ngày 12-12-2019, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND nhằm triển khai các hoạt động hưởng ứng. Theo đó, giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì. Phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương về một số nội dung chung quanh Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm 2020 trên địa bàn thành phố.

Người dân thành phố chọn mua hàng hóa tại siêu thị Big C.       

– Chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” bao hàm ý nghĩa gì, thưa đồng chí?

– Đây là chủ đề rất thiết thực, ý nghĩa, phù hợp xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại trong thời điểm hiện nay. Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương muốn nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hãy đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

– Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 có những nét mới gì?

– Theo Kế hoạch số 299 của UBND thành phố, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 trên địa bàn thành phố khá phong phú, hấp dẫn. Theo đó, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng khắp, cả về bề nổi lẫn chiều sâu với nhiều hình thức; tổ chức lễ phát động hưởng ứng với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng; tổ chức để doanh nghiệp ký cam kết sản xuất, cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng; tổ chức các hội nghị, hoạt động phổ biến quy định của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ…

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố, Sở Công Thương rút gọn các chương trình hưởng ứng, phát động có thể dẫn tới tập trung đông người. Thay vào đó, tổ chức tuyên truyền trực tuyến, trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu. Công việc này được triển khai khá tốt từ đầu năm tới nay, mang lại hiệu ứng tích cực.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Sở Công Thương chỉ đạo chuyển hướng các hoạt động hưởng ứng sang chiều sâu. Cụ thể, chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh, an toàn sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, khách hàng, người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm như quảng cáo gian dối, cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, ép buộc giao dịch; cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm về số lượng, chất lượng, giá cả…

Đặc biệt, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan quản lý tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội… Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 không chỉ tổ chức tập trung vào tháng cao điểm (tháng 3) mà sẽ kéo dài trong cả năm nhằm phát huy kết quả, giá trị đạt được, góp phần đưa việc thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng thành hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay không được tổ chức sôi động như mọi năm, nhưng quyền của người tiêu dùng thì không chỉ được thực hiện trong riêng ngày này, mà cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. (Ảnh chụp tại siêu thị BigC). 

– Các doanh nghiệp hưởng ứng và ký cam kết sản xuất, cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn, chất lượng như thế nào, thưa đồng chí?

– Đến nay, có 40-50 doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố hưởng ứng và ký cam kết thực hiện tốt trách nhiệm với người tiêu dùng, như các siêu thị Big C, Vinmart, Coop Mart, các siêu thị điện máy, công ty kinh doanh xăng dầu, Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cát Hải… Đặc biệt, 12 doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên tắc với Sở Công Thương về cung ứng hàng hóa nếu dịch bệnh COVID-19 lan rộng cũng đồng thời ký cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu là Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty CP lương thực Đông Bắc, Công ty Lượng Huệ, Công ty TNHH thực phẩm Anh Phát, Công ty CP chế biến thực phẩm xanh Vĩnh Phát, Công ty CP thủy sản Anh Minh, Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long, Công ty Hoàng Minh, Phúc Hậu, Công ty CP thực phẩm Đồng Lợi, Công ty An Nguyên… Sở Công Thương đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp tham gia ký cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng.

– Xu hướng thương mại điện tử đang rất phát triển tại Hải Phòng, Việt Nam trong thời gian qua, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng không ít người bị thiệt hại. Đồng chí khuyến cáo như thế nào tới người tiêu dùng?

– Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế, phát triển nhanh chóng, mỗi người hãy biết cách là người tiêu dùng thông thái trong thương mại điện tử. Người tiêu dùng cũng cần nắm chắc một số vấn đề khuyến cáo như sau: lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về sức khỏe, tài sản, tính mạng; bảo vệ  thông tin của người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; người tiêu dùng có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm trực tuyến; có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng; hãy nhớ số 1800-6838 là tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nắm chắc 8 quyền cơ bản được quy định tại Điều 8 và 2 nghĩa vụ chính được quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày Quyền của người tiêu dùng hằng năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1035  ngày 10 – 7 – 2015. Từ đó đến nay, năm nào Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hải Phòng cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng rất sôi nổi, thiết thực, hiệu quả cao; huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay không được tổ chức sôi động như mọi năm, nhưng quyền của người tiêu dùng không chỉ được thực hiện trong riêng ngày này, mà cần được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. Tôi mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là người tiêu dùng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lấy quyền lợi của người tiêu dùng là mục tiêu hành động, giảm tới mức thấp nhất các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

-Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bài: Thanh Hiệp thực hiện – Ảnh: Hoàng Phước