Xây dựng và phát triển Hải Phòng không chỉ vững mạnh về kinh tế – xã hội mà còn là điểm sáng trong phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc

(Haiphong.gov.vn) – Việc phát hiện, khai quật được bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là vô cùng có ý nghĩa, song việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Do đó, việc tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ là cơ sở khoa học giúp thành phố triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia, nhà khoa học

Đây là một phát hiện rất quan trọng của ngành khảo cổ học Việt Nam, mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho các tầng lớp nhân dân Hải Phòng. Đây cũng là cơ hội để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng, của con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Bãi cọc Cao Quỳ cùng với di tích Bạch Đằng sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng đối với thế hệ mai sau.

Tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên tổ chức sáng 21/12 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đều khẳng định giá trị quan trọng cần được bảo tồn của di tích.


GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá đây là Hội nghị có ý nghĩa, có giá trị lớn để chúng ta nhận thức rõ, đúng đắn, đầy đủ, xác thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Đây không chỉ là chiến công vĩ đại bậc nhất của dân tộc Việt Nam mà còn là chiến công mang tầm thời đại có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Đóng góp của trận đánh Bạch Đằng đã làm rạng rỡ công danh, lịch sử, cội nguồn của dân tộc. Việc làm rõ hơn chiến thắng Bạch Đằng là cố gắng cao của các nhà khoa học, khảo cổ học, sử học trong nước.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê là phát hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, từ đó xác định rõ hơn tất cả những nghiên cứu từ trước đến nay là đúng và có cơ sở. Chúc mừng thành công của Đoàn khảo sát và thành phố Hải Phòng, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tin tưởng với kết quả này sẽ có đủ cơ sở để đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; cùng với đó là đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu để phát huy giá trị của di tích.


Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng cần phát huy giá trị di tích, để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho nhân dân

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia ghi nhận sự tham gia vào cuộc tích cực, kịp thời của lãnh đạo thành phố từ khi phát hiện đến quá trình triển khai. Mặc dù mới trải qua 2 tháng tiến hành khảo cổ nhưng thành phố Hải Phòng cùng các nhà khoa học đã đạt được kết quả rất tốt. Trong khoảng 2 tháng, với 3 hố khai quật, tất cả những chiến tích lịch sử đã lộ diện, đây chính là dấu tích của trận đánh Bạch Đằng, chứa đựng tiềm năng, tài nguyên văn hóa lớn tại đây.

Nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý, thành phố nên mở rộng phạm vi khảo sát; có thể khai thác bãi cọc thành khu công viên, di tích, nơi chứng tích đầy đủ nhất về trận chiến Bạch Đằng, có thể xây dựng rừng lim để tạo cảnh quan xung quanh và mong lãnh đạo thành phố coi đây là cách triển khai lâu dài, bền vững; có kế hoạch để bảo vệ di tích một cách khoa học, từ đó phát huy giá trị của di tích để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Đồng thời mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn Trung ương, địa phương tiếp tục mở rộng khai thác quanh khu vực bãi cọc.


PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá lãnh đạo thành phố có sự quan tâm đặc biệt đến các di sản văn hóa

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh, việc phát hiện ra ra bãi cọc cổ này sẽ giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng được sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Phát hiện này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế của thành phố Hải Phòng trong tương lai. Ông cũng đánh giá lãnh đạo thành phố đã có sự quan tâm đặc biệt đến các di sản văn hóa và mong muốn thành phố cần có biện pháp để bảo vệ di tích được phát hiện, có Đề án cụ thể để triển khai sau khi khai quật để giữ gìn được các hiện vật; cần đi từng bước, trên cơ sở vững chắc từ các hồ sơ tư liệu. Khẳng định các hoạt động xung quanh trận chiến thắng Bạch Đằng đã góp phần làm cho mạch ngầm của hào khí Đông A tuôn chảy mãi mãi trong huyết quản người dân Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài cảm ơn thành phố Hải Phòng đã có nhận thức mới, có hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố, đất nước.


Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ý kiến cần sớm triển khai các thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, đây là lần đầu tiên phát hiện khảo cổ học được tổ chức rất nhanh, dưới góc độ quản lý nhà nước. Chiến trận Bạch Đằng dù đã được nói nhiều trong sử sách, nhưng phát hiện vật chất chưa nhiều. Việc phát hiện lần này cho thấy, cần có nghiên cứu tổng thể toàn bộ mối liên kết đối với trận đánh Bạch Đằng, nên ý nghĩa của bãi cọc này rất quan trọng. Ông Trần Đình Thành cơ bản thống nhất với các nhà nghiên cứu, bãi cọc này gắn với trận thủy chiến Bạch Đằng là khá rõ ràng.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao sớm kiến nghị UBND thành phố đưa bãi cọc này vào danh mục kiểm kê di tích để có đầy đủ pháp lý bảo vệ bãi cọc, bước tiếp theo sẽ là triển khai các thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia; đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi quyền sử dụng đất tại khu vực này để dành đất cho di sản, có biện pháp bảo vệ, không tổ chức các hoạt động khác tại đây để bảo tồn di sản; cùng với đó là nghiên cứu tổng thể, mở rộng phạm vi khảo sát.


PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học cho rằng cần có biện pháp cấp bách bảo tồn bãi cọc nguyên vẹn, đúng quy trình

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc phát hiện 27 cọc gỗ cổ và 21 hố đất đen là những mốc chứng quan trọng để nói lên mối quan hệ với trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật bằng sắt có thể liên quan đến công cụ, vũ khí; và các hiện vật bằng gốm khi tiến hành khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ. Đó là những tư liệu cực kỳ quý giá, sẽ được bổ sung vào kho tàng lịch sử Việt Nam. Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng cần cấp bách có biện pháp bảo vệ để bảo tồn theo đúng quy trình, bảo tồn một cách nguyên vẹn. Cùng với đó, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để xác minh và phát huy giá trị của những cọc gỗ cổ. Việc cấp bách đặt ra là các ngành chức năng thành phố Hải Phòng cần xây dựng hồ sơ để xếp hạng di tích các cấp đối với khu vực phát lộ bãi cọc cổ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu ý kiến cho rằng cần có cách làm tái hiện lại trận chiến thắng Bạch Đằng trên đất Hải Phòng để giáo dục cho các thế hệ

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử – Khảo cổ – Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng đề nghị thành phố cần có biện pháp để bảo vệ bãi cọc không bị xâm phạm. Ông cũng đánh giá, Hải Phòng không chỉ thành công về phát triển kinh tế – xã hội mà còn rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Trước phát hiện quan trọng này, Hải Phòng cần triển khai ngay biện pháp bảo tồn và phát huy di tích; phải đưa ra khung pháp lý bảo vệ như hoàn thiện các thủ tục để đưa bãi cọc vào di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, phải có cách làm tái hiện lại trận chiến thắng Bạch Đằng trên đất Hải Phòng để giáo dục cho các thế hệ.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện khảo cổ học, các chuyên gia, các nhà khoa học, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; sớm xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các các di tích trong khu vực.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng xác định rõ: đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố, không chỉ vững mạnh về kinh tế – xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.

Phương Trang