Trở thành trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia: Hải Phòng hội tụ đầy đủ các yếu tố

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng – nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng”. Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố bên lề hội nghị, trong đó có phóng viên Báo Hải Phòng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Hải Phòng hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia và Bộ Công Thương sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt hỗ trợ thành phố trong  hành trình tiến tới mục tiêu này.

Khu cầu cảng, bến bãi phục vụ các hoạt động dịch vụ logictics của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ.          Ảnh: Duy Thính

– Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của logistics trong phát triển kinh tế của Việt Nam?

– Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (KTXH) của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Logistics cũng là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng, đem lại giá trị giá tăng cao mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển cũng phải chú trọng. Bởi vậy, ngày 14-2-2017, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định (QĐ) số 200 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tạo ra những đột phá mới trong phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.

– Logistics hiện đóng góp như thế nào vào nền kinh tế Việt Nam và mục tiêu hướng tới là gì, thưa Bộ trưởng?

– Hiện logistics đóng góp khoảng 4-5% vào GDP; tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 16%/năm; tỷ lệ thuê ngoài đạt 30%… Tuy nhiên, xu hướng phát triển của logistics tại Việt Nam cũng rất tiềm năng.  Kết quả xếp hạng trong 3 năm qua cho thấy logistics của Việt Nam có sự bứt phá. Cụ thể, chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Mục tiêu vươn tới của logistics Việt Nam là: đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 8%-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%;  chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước, đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.

– Cá nhân Bộ trưởng đánh giá Hải Phòng có vai trò như thế nào trong thực hiện các mục tiêu phát triển logistics quốc gia?

– Việc Bộ Công Thương lựa chọn Hải Phòng tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics cho thấy rõ vị trí quan trọng và tiềm năng to lớn của Hải Phòng trong phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Hiếm có địa phương nào hội tụ đầy đủ cả 5 loại hình giao thông như Hải Phòng, bao gồm đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không, đặc biệt là cả đường ống, được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao. Cùng với đó là sức hấp dẫn của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; nhiều khu công nghiệp hiện đại; hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi công-ten-nơ, kho ngoại quan, kho CFS…, cùng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú. Những năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp lớn tới Hải Phòng đầu tư, tốc độ tăng trưởng của logistics của Hải Phòng cao hơn bình quân chung cả nước,  đạt 18% đến 23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10-15%. Đặc biệt, Nghị quyết 45 (NQ) của Bộ Chính trị ban hành ngày 24-1-2019 nêu rõ mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Quan trọng hơn cả là quyết tâm của Hải Phòng với những cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng; huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư; đề ra các mục tiêu phấn đấu ở mức cao. Có thể khẳng định, Hải Phòng hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành một trung tâm logistics lớn nhất của Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế.

– Bộ Công Thương sẽ có những hỗ trợ gì để Hải Phòng phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh dịch vụ logistics, thưa Bộ trưởng?

– Bộ Công Thương sẽ tiếp tục  đổi mới, làm tốt  công tác quản lý Nhà nước; cải cách thể thế chế; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; bảo đảm sự thông thoáng minh bạch, công khai, ổn định,  tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và logistics nói riêng. Bộ Công Thương sẽ có các chương trình cụ thể hỗ trợ địa phương trong quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực để Hải Phòng  thực hiện NQ 45 đạt hiệu quả cao nhất; đạt được các mục tiêu về phát triển logistics mà nghị quyết đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý các vấn đề địa phương đang vướng mắc, đang có nhu cầu; tham mưu, đề xuất để có cơ chế điều hành thống nhất của Chính phủ, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành đối với hoạt động logistics, bao gồm môi trường; hạ tầng cứng; hạ tầng mềm; định hướng phát triển; nguồn nhân lực…, đặc biệt tập trung cho khu vực trọng điểm về logistics như Hải Phòng. Những vấn đề về tích hợp quy hoạch logistics, đất đai, thuế, cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng liên quan tới logistics  như kho CFS, khu phi thuế quan… sẽ được  Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất cụ thể  với Chính phủ…

– Hải Phòng cần phải làm gì để phát triển logistics xứng tầm vị thế, thưa Bộ trưởng?

– Trước hết, Hải Phòng cần sớm ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện QĐ 200 của Thủ tướng Chính phủ; QĐ 708  của Bộ trưởng  Bộ Công Thương về nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics; cải thiện chỉ số LPI… Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa trong việc phát huy tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai- Hải Phòng và kết nối đường sắt đến các bến cảng; đẩy mạnh kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; các địa phương ven biển Đông Bắc cũng như hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc;  khơi thông, phát triển thị trường logistics, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới; giảm chi phí logistics…  Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là ứng dụng  mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu, các lĩnh vực liên quan tới logistics; cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn như Trường đại học Hàng hải; Trường đại học Hải Phòng… tăng cường đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao…

– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Thanh thực hiện

baohaiphong.com.vn