VBF – 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020

Ngày 12/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) cuối kỳ năm 2017 với chủ đề: VBF – 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trong suốt 20 năm qua, VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông về số lượng, mạnh về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao, liên tục, tăng gấp 8 lần, GDP năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD, đến năm 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuất phát từ thực tiễn và chủ trương, định hướng của Nhà nước, các nhóm công tác chuyên trách của VBF, các chuyên gia về luật pháp ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành đã có đóng góp quan trọng giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, tiệm cận với thông lệ quốc tế, tăng tính minh bạch, dễ dự đoán, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Trong đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính đã đem lại làn gió mới cho việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực của cả hai phía, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày được cải thiện.

Trong bối cảnh mới, các cơ quan Chính phủ cũng đã thay đổi cách tiếp cận trong tham mưu, hoạch định và thực hiện chính sách, nâng cao vai trò của người dân, doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành trong lĩnh vực quản lý đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; Xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; Chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và quy định của pháp luật; Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; Bảo đảm về môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá, Việt Nam đã triển khai thành công VBF trong thời gian qua, qua các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách góp phần tạo các mối quan hệ kết nối, tạo giá trị gia tăng để tăng cường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Kyle Kelhofer cho rằng, đầu tư của Việt Nam cần thực hiện ở quy mô lớn do đó cần sự tham gia của khu vực tư nhân và IFC mong muốn được hỗ trợ Việt Nam để kiến tạo một không gian cho đầu tư tư nhân.

Đồng Chủ tịch Liên minh VBF Hirohide Sagara cũng đánh giá, Việt Nam đã trải qua những bước ngoặt và thành công trong thu hút FDI, tạo ra sự kết nối với kinh tế thế giới. Việt Nam đã sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Hirohide Sagara tin tưởng, những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong VBF sẽ được Chính phủ quan tâm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, góp phần công khai minh bạch và hiệu quả cải cách hành chính.

Đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF cho rằng, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể. Nhiều nghị quyết quan trọng được ban hành thời gian qua như Nghị quyết số 19, Nghị quyết số số 35/NQ-CP. Năm 2017 được xác định lànăm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp… Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Những nỗ lực trên đang tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Các tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh này của Việt Nam. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm trước đó và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam được đánh giá xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đóng góp của VBF và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng mạnh, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay sẽ đạt mức kỷ lục trên 120 nghìn với số vốn đăng ký mới bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng, đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Số vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD, tăng 30%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Để cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 06 vấn đề chính: Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thực hiện mạnh mẽ các đột phát chiến lược, cơ cấu lại thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Thứ tư, khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Thứ năm, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, thực hiện hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Thứ sáu, thực hiện cải cách thuế đảm bảo sự minh bạch, công bằng và hiệu quả, mang tính cạnh tranh hướng đến tiêu chuẩn cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư