Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững

Ngày 13/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 với chủ đề: Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững. Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề “Tăng trưởng năng suất: Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” và “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017 là năm nền kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, trong đó thành công lớn nhất là sau nhiều năm, cả 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%. Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh, trên diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, nhiều đạt biểu rất quan tâm đến vấn đề chất lượng tăng trưởng và một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng là năng suất.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng năng suất, Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng đã nhấn mạnh nội dung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo, điều hành các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 với tinh thần phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại của năm 2017. Tăng cường kỷ cương, nâng cao liêm chính; Tranh thủ tốt mọi thời cơ, tận dung các cơ hội; Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; Tạo sự đồng thuận cao của toàn hệ thống, hành động quyết liệt, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Mặc dù vậy, nâng cao năng suất đang là thách thức đối với Việt Nam. Chính phủ rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp cụ thể hóa các mục tiêu nêu trên.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá cao chủ đề của VDF 2017, tăng năng suất là vấn đề quan trọng cho phát triển trung hạn ở Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số thành tựu cao trong năm 2017 như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định, vị trí đối ngoại tăng lên… Đặc biệt, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã tăng 14 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh của WB và mong rằng Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng này để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Ông Ousmane Dione đánh giá, Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất như nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nông nghiệp áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đóng vai trò quan trọng để Việt Nam vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất.

Thứ hai, những cải cách nhằm phát triển và tăng cường thể chế thị trường hiệu quả sẽ cần phải đẩy mạnh để đạt được tăng trưởng năng suất cao hơn, bao gồm tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời thúc đẩy những thị trường hiệu quả hơn để cải thiện việc phân bổ nguồn lực. Đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện tiếp cận thị trường, phân bổ nguồn lực sản xuất trong thị trường vốn, thị trường đất đai hiệu quả hơn, đảm bảo nguồn lực được sử dụng cho những mục đích hiệu quả nhất.

Thứ ba, tăng cường chính sách về cạnh tranh và đảm bảo sân chơi bình đẳng minh bạch cho tất cả đối tác kinh tế, tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng và đổi mới sáng tạo trong quá trình tìm kiếm cách thức tăng trưởng ở Việt Nam. Việt Nam đã làm tốt việc giáo dục phổ thông nhưng cần có tập hợp kỹ năng tổng hợp kiến thức mới để đóng góp cho tăng trưởng năng suất, nền kinh tế đang hội nhập nền kinh tế toàn cầu, trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp dịch vụ… Cùng với đó, cần tiếp tục vươn lên, có những cải thiện tiếp theo ở khu vực tư nhân trong nước. Cần có thể chế thị trường lao động tốt hơn, cơ sở giáo dục đại học tốt hơn, đảm bảo kỹ năng và trình độ cao hơn cho người lao động, tạo ra môi trường thể chế hiệu quả, cơ chế khuyến khích tốt, giúp duy trì tăng trưởng năng suất bền vững trong tương lai.

Thứ tư làm sao để Việt Nam có thể huy động và sử dụng nguồn lực công hiếm hoi để có thể có nguồn vốn cho chương trình nghị sự phát triển trong 5 năm tới, khi nguồn hỗ trợ phát triển đang rút dần đi, Việt Nam cần phải huy động thêm nguồn lực trong nước một cách hiệu quả hơn, huy động thu nội địa, nâng cao hiệu suất chi tiêu công và quản lý nợ, xây dựng thị trường nợ trong nước hiệu quả, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển mà không làm cho nợ tăng lên ở mức không bền vững, đẩy mạnh nỗ lực để tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong sự phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng, rất quan trọng trong việc tăng trưởng năng suất mà Việt Nam cần hiện nay. WB kỳ vọng ở luật mới về PPP sẽ giải quyết được nhiều thách thức hiện nay. Các nguồn lực ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn, hiệu quả hơn, bổ trợ cho nguồn lực công trong nước, tạo đòn bẩy huy động nguồn lực tư nhân trong nước.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Diễn đàn, trong phiên thảo luận về vấn đề tăng trưởng năng suất: Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam các đối tác phát triển đã đóng góp ý kiến về xu thế và thách thức đối với năng suất của Việt Nam qua phân tích về xu thế giảm, tăng năng suất cũng như trong đóng góp vào tăng trưởng GDP. Xem xét các nguồn lực chính ảnh hưởng đến tăng năng suất, bao gồm chuyển dịch cơ cấu, liên kết với FDI/các mạng lưới, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số xu thế chính trong năng suất nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất, thể chế rõ ràng và chương trình của nhà nước về tính hiệu quả.

Trong phiên thảo luận về giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, các đối tác phát triển đã chia sẻ về cách thức hài hòa cung và cầu về kỹ năng lao động và cách thức đổi mới trong doanh nghiệp nhằm giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị. Các diễn giả cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế công nghệ, kết nối tốt hơn với FDI và mạng lưới toàn cầu, cũng như thúc đẩy các cơ hội giao thương quốc tế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng năng suất. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam cũng có những phản hồi về các vấn đề chính sách cho từng ngành cụ thể nhằm giúp giải quyết các thách thức về năng suất của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Chính phủ phải nỗ lực tạo lập môi trường cạnh tranh toàn diện trên cả ba phương diện: Phát triển đồng bộ các loại thị trường; Tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường; Đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Cạnh tranh cần phải thực sự trở thành áp lực chính để mọi người dân, doanh nghiệp và cả quốc gia phải cải thiện hiệu quả sử dụng công nghệ, tăng cường hiệu quả phân bổ nguồn lực và nâng cao năng suất.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Trước hết là phân bổ nguồn lực nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công; Đẩy mạnh cổ phần hóa, cải cách quản trị doanh nghiệp nhà nước; Phát triển các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao hơn nữa năng suất tổng thể của quốc gia, hướng tới một nền sản xuất đem lại giá trị nhiều hơn với nguồn lực ít hơn. Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động.

Ba là, tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bốn là, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán tham gia, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Năm là, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ phải kiên định giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đây là những điều kiện tiên quyết cho thành công của mọi dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư