Họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 07/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản – Keidanren) tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2014, Việt Nam – Nhật Bản đã nâng tầm quan hệ thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á. Quan hệ đó ngày càng được củng cố, phát triển và đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay.

Với vai trò là đối tác chiến lược tin cậy và là đối tác kinh tế quan trọng nhất, tính trong 11 tháng năm 2017, Nhật Bản đã trở lại vị trí thứ nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 8,94 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 11 năm 2017 Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với 3577 dự án tổng vốn đăng ký hơn 49 tỷ USD. Các nguồn vốn của nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là có chất lượng cao, có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn ODA khoảng 2.500 tỷ Yên (25 – 27 tỷ USD), chủ yếu được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng. Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đã trải qua hơn 14 năm. Nhiều nội dung đưa ra đã được các cơ quan của Việt Nam tiếp thu và đã góp phần đáng kể, quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần hợp tác và làm việc có hiệu quả của các nhóm công tác. Kế hoạch hành động Sáng kiến chung giai đoạn 6 gồm 7 nhóm vấn đề, với 32 hạng mục. Sau 16 tháng thực hiện, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI đã hoàn thành một cách tốt đẹp, hầu hết các nội dung nêu tại Kế hoạch đã được triển khai tốt và đúng tiến độ.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng… Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam được đánh giá xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017. Hệ thống luật pháp của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn, có khả năng giải trình hơn và dễ thực thi hơn, trong đó có phần đóng góp đáng kể của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.

Đánh giá kết quả Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 16 tháng triển khai hai bên đã tổ chức 28 cuộc đối thoại giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung Kế hoạch hành động. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các Bộ, ngành liên quan phía Việt Nam tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như việc thực thi.

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban hỗn hợp Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, trong tổng số 32 hạng mục nêu tại kế hoạch hành động giai đoạn VI, đã có 26 hạng mục triển khai tốt hoặc đang triển khai và chỉ có 6 hạng mục chưa triển khai. Trong 26 hạng mục nêu trên, 19 hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ, 7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ. Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ logictis-vận tải, lao động. 07 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về lao động và 06 hạng mục chưa triển khai liên quan đến vấn đề tiền lương là những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ngành phân phối dược phẩm sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.

Phản hồi về kết quả từ nhóm công tác phía Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/6/2017, hiện các Bộ, ngành đang xây dựng các nghị định hướng dẫn. Để hỗ trợ Việt Nam, phía Nhật Bản đang thực hiện các khóa đào tạo kinh doanh của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam (VJCC), thực hiện thu thập thông tin, điều tra xác định về tăng cường cơ sở nền tảng phát triển công nghiệp và dự định tổ chức hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam, cần đưa ra chính sách có quy mô và hiệu quả, cụ thể là việc hỗ trợ vốn để mở rộng đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa,… là rất quan trọng. Các nỗ lực từ trước đến nay để tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp như là tổ chức các buổi kết nối doanh nghiệp, triển lãm,… đều có điểm giới hạn, cần phải có sự hỗ trợ bằng chính sách của nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa bản địa sẽ làm tăng tỷ lệ cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá và đóng góp cho việc phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.

Đánh giá về những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ông Quánh Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là nhóm liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của 5 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước. Theo kế hoạch hành động, vấn đề đảm bảo đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, áp dụng quy định của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc cũ và quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu, mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được thực hiện. Các hạng mục thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thành viên, cổ đông không góp đủ vốn điều lệ; Quyền của doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp đã được thực hiện trả tiền một lần; Giấy tờ tài liệu phải nộp, xuất trình trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh đều chưa bắt đầu.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản Kuniharu Nakamura cảm ơn sự đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các giai đoạn vừa qua của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Đề xuất nội dung cho Kế hoạch hành động giai đoạn VII, ông Kuniharu Nakamura cho rằng, để phát triển kinh tế, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề năng suất, vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tư pháp. Ông Kuniharu Nakamura mong muốn Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách phát triển công nghiệp trung và dài hạn, cần xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành. Bên cạnh đó, thông tin về chính sách, là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam.

Lễ ký biên bản đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại cuộc họp, hai bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế. Bên cạnh những các vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn VII cần đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư