Xác định lại kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý và bảo vệ rừng

Sáng 14/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

(Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Phòng)

Tham dự tại điểm cầu Hải Phòng, có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các địa phương và Hạt trưởng các Hạt kiểm lâm.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm (2012-2017) các cơ quan Nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276 ha/1.892 dự án; trong đó: rừng tự nhiên18.931 ha, rừng trồng 15.821 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 3.524 ha. Tính đến 30/9/2017, dựa trên báo cáo của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt, đang thực hiện và dự án có trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020 là 1.071 dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng 60.129 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 16.866 ha, rừng trồng 28.986 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 14.277 ha. Một số địa phương đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án ở một số địa phương không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó dẫn đến tình trạng quy hoạch luôn bị phá vỡ, nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tại một số địa phương chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trái phép vẫn chậm được ngăn chặn, tại một số địa phương còn để tình trạng chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật…Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Lãnh đạo các địa phương cũng phải tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã hoàn thành. Không giải quyết ngoại lệ về miễn, giảm, chậm thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế đối với dự án mới. Bên cạnh đó, phải tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc, dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện đang triển khai thực hiện 03 dự án trồng rừng thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: DA phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, ven sông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020, quy mô 837,0 ha; DA giảm sóng ổn định bạc và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển I, quy mô dự án 93,7 ha; DA trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Bạch Long Vỹ, quy mô trồng rừng 35,23 ha.

Qua 2 năm triển khai, đến nay diện tích rừng của Hải Phòng đã tăng 715,21 ha; chất lượng rừng ngày càng nâng cao; bên cạnh đó công tác trồng cây xanh đô thị và khu vực nông thôn ngày càng củng cố phát triển đã góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị xanh, văn minh, hiện đại và tăng khả năng phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn (2012 – 2017) tổng số dự án đầu tư có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang thực hiện các dự án đầu  tư là 21 dự án, tổng diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng là 96,754 ha; diện tích rừng chuyển đổi là 95,637 ha (chủ yếu là rừng phòng hộ). Những dự án phải chuyển đổi đất rừng đều thực hiện đúng quy định của Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng và các quy định pháp luật hiện hành.

Giải đoạn 2018 – 2020, Hải Phòng phấn đấu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh và phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm 2,51%; tỷ trọng chiếm 0,25% toàn ngành nông lâm thủy sản; bảo tồn và phát triển bền vững nuồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, nâng đô che phủ rừng và cây xanh đạt 24%….

Trâm Bầu