Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

(MPI) – Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những nhiệm vụ về tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, công khai quy trình thủ tục, cải cách hành chính nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức …, các Bộ, ngành đang tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Tiếp cận tín dụng, đất đai; Giảm chi phí cho doanh nghiệp;…

Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2017, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Việc thí điểm triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác này cần được áp dụng công nghệ thông tin để đảm bảo tính liên thông và công khai, minh bạch.

Công tác cải cách hành chính thuộc các lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, môi trường tiếp tục được củng cố, cải thiện nhằm góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh.

Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP đã lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai; Mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành.

Về tiếp cận tín dụng, trên cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ thuận lợi, từ đầu tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đến ngày 31/8/2017, tín dụng tăng 11,03% so với cuối năm 2016, cao hơn nhiều so với cùng kỳ của các năm gần đây (2016: tăng 9,67%; 2015: tăng 10,23%) và là năm thứ tư liên tiếp tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng thấp hơn so với tín dụng chung toàn hệ thống.

Về tiếp cận đất đai, để tạo kênh thông tin cho các doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 quy định về việc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất báo cáo cơ quan quản lý và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, để khắc phục những bất cập của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ngành và địa phương rà soát các kiến nghị cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2017.

Về giảm chi phí cho doanh nghiệp: tiếp tục giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (giảm phí) khi áp dụng Thông tư 35/2016/TT-BGTVT. Tính đến thời điểm báo cáo, trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm: 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ), Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 38 trạm.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 và có hiệu lực vào 01/01/2018. Các Nghị định hướng dẫn Luật đang được khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành trước ngày 01/01/2018.

Giải quyết một số khoảng cách giữa chính sách và thực thi

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Các chính sách vẫn còn khoảng cách so với thực tiễn, chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật: Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng, Đấu thầu… còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề cụ thể; Chỉ bước đầu ghi nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, chưa đi vào thực chất, chưa giải quyết dứt điểm hoặc thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường… cũng như theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp.

Sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai nhiệm vụ Nghị quyết số 35/NQ-CP bước đầu đã thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao, nên nhiều giải pháp chưa mang lại tác động tích cực, chưa giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều địa phương nhưng nhiều thủ tục hành chính vẫn còn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm, doanh nghiệp vẫn còn phải liên hệ để gặp các bộ phận trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và công khai các thủ tục hành chính ở địa phương chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn liên quan đến nhiều sở, ban, ngành, nhất là một số thủ tục hành chính liên quan đến ngành dọc như bảo hiểm, hải quan, thuế… thuộc chức năng của nhiều Bộ, ngành dẫn đến quá trình triển khai thực hiện cắt giảm ở địa phương thiếu chủ động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai dứt điểm các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg, có các biện pháp đôn đốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư