Phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cú hích thúc đẩy kinh tế đất nước

(MPI) – Ngày 13/10/2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành đã có cuộc trao đổi tại tọa đàm với chủ đề: Phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cú hích thúc đẩy kinh tế đất nước.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Từ thập niên 1980 đến nay, những đặc khu kinh tế (KKT) như Thâm Quyến, Hải Nam, Hạ Môn… chính là động lực biến Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế phát triển của thế giới. Sắp tới, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Việt Nam hy vọng những ĐKKT sẽ là “cây đũa thần” nâng tầm Việt Nam ngang hàng với các quốc gia phát triển trong khu vực.

Hiện nay, Chính phủ đã chọn 3 KKT là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những KKT đặc biệt với những chính sách và cơ chế đặc biệt để phát triển. Theo phân tích, 3 ĐKKT có thể đạt mức thu nhập lên đến 12.000 USD – 13.000 USD/năm, tương đương 23 – 25 triệu đồng/tháng. Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Cũng theo tính toán, tại Phú Quốc, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất.

Vấn đề được đặt ra để trao đổi tại Tọa đàm là thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của 3 KKT Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong hiện nay ra sao? Liệu khi chúng ta có Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo bệ phóng cho 3 ĐKKT phát triển mạnh mẽ, mang tính “đột phá” như kỳ vọng? Cơ sở nào để Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt? Và hơn nữa cần cơ chế đặc biệt nào cho đặc khu nào, cơ chế giám sát ra sao cũng như những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi triển khai mô hình ĐKKT.

Trao đổi về vấn đề tại sao so với những nước khác trên thế giới đến bây giờ Việt Nam mới đặt vấn đề để thành lập các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 21-TB/TW về các đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và đồng ý chủ trương xây dựng Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Nhìn nhận lại những kết quả của việc hình thành và phát triển của các KKT, hiện nay, Việt Nam có 17 KKT ven biển, 26 KKT cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp (KCN) được thành lập… Về thu hút đầu tư, các KKT đã thu hút được 153 tỷ đô la, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động. Đồng thời, khi triển khai các dự án trong các KKT, KCN, KCX cũng tạo điều kiện để quản lý tốt hơn về môi trường và công nghệ. Tuy nhiên, việc phát triển các KKT vẫn còn một số hạn chế như: ít có sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, mặc dù có nhiều lỗ lực nhưng thể chế đặt ra cho các khu KKT, KCN, KCX chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối.

Trong thời gian vừa qua, cùng với việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông kết nối nhằm thu hút đầu tư. Đến nay, các dự án có tính chất đột phá, lan tỏa đã được triển khai và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Đây là một trong những hướng đi mang tính đón đầu của tỉnh Quảng Ninh.

Có thể nói khi chưa có cơ chế phát triển thành KKT đặc biệt thì Vân Đồn, Quảng Ninh đã đón nhận làn sóng đầu tư rất lớn, trong đó Vân Đồn đã xác định được nhà đầu tư chiến lược. Trao đổi ý nghĩa của việc tìm nhà đầu tư chiến lược trong phát triển các đặc KKT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, các nhà đầu tư đã đầu tư vào đường giao thông kết nối Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Vân Đồn, dự kiến khởi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số bến cảng, sân bay, đặc biệt là sân bay Vân Đồn được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư của nhà đầu tư chiến lược. Hạ tầng kỹ thuật đã được chuẩn bị trong vài năm gần đây, hệ thống điện lưới quốc gia đã ra tới đảo Cô Tô, hệ thống hồ đập nước cũng được tỉnh mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm để đảm bảo các điều kiện cơ bản khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thông qua thì mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ nhanh chóng được triển khai và sớm đảm bảo yếu tố thành công.

Quảng Ninh đang hướng tới hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Đồng thời xác định nhà đầu tư chiến lược mang tính chủ đạo, tiên phong trong việc định hình ra hệ thống kết cấu hạ tầng và các ngành sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Sun Group được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược với những dự án động lực như cảng hàng không, khu phức hợp cao cấp đã tạo lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác như đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp cao…Đặc biệt, Tập đoàn đã góp phần phát triển Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Hiện nay, Vân Đồn có 02 dự án trọng điểm được xác định là điểm nhấn của KKT đặc biệt Vân Đồn là Cảng hàng không Quảng Ninh và Khu dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn. Với mục tiêu hoàn thành vào năm 2017, tạo động lực để thúc đẩy các địa phương khác trong khu vực cùng phát triển, hiện các dự án này đang được tỉnh và chủ đầu tư đặc biệt quan tâm, tập trung tối đa các nguồn lực, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Làn sóng mở cửa đặc KKT đã phát triển tại nhiều quốc gia vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc KKT tại 140 quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này. Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 14. Đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với việc cần có cơ chế vượt trội và đặc biệt, trao đủ quyền lực cho người đứng đầu KKT. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với trưởng đặc KKT.

Rõ ràng qua kinh nghiệm các nước, muốn phát triển đặc KKT thì cần cơ chế đặc biệt, đột phá thể chế. Tuy nhiên, ưu đãi mức nào và ưu đãi đến đâu cũng là vấn đề cần được đặt ra, tránh tình trạng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, việc trao quyền cho các trưởng đặc khu phải có sự giám sát thông qua đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Mặt trận tổ quốc, các cơ quan khác và xã hội. Vấn đề giám sát cần được định hướng để đảm bảo có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mới so với hiện nay, cơ quan soạn thảo đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để tìm ra cơ chế giám sát hiệu quả nhất, đảm bảo quyền tự chủ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc trao quá nhiều đặc quyền và kiểm soát quyền lực với người đứng đầu đặc khu còn nhiều ý kiến trái chiều, cần có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực của trưởng đặc khu, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò trách nhiệm cá nhân trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, giám sát cơ bản là giám sát năng lực và trách nhiệm. Giám sát quan trọng nhất là dựa trên hệ thống công khai, minh bạch, dân giám sát…

Việt Nam đã có nhiều KKT nhưng chưa các đặc KKT đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư. Để các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá. Để làm được điều đó, chúng ta phải tìm mô hình phù hợp với Việt Nam, rút ra các bài học thành công và thất bại của các nước trên thế giới và quan trọng nhất là công cuộc thể chế hóa bộ máy quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, kiểm toán được lợi ích của các nhà đầu tư và tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế. Hy vọng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV những vấn đề liên quan đến dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến chi tiết vào những vấn đề đang được đặt ra, tạo hướng mở nhưng chặt chẽ, thực sự tạo cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư