Chiến lược hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Chiến lược hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Ngày 11/10/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt chiến lược đối tác mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững với môi trường hơn.

Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội ấn tượng. Đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2010, Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục.

Tuy nhiên, Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn như: Việt Nam có nguy cơ cao trước biến đổi khí hậu; Sự gia tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động trước đây bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn.

Theo ý kiến của đại diện ADB, để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được ba kết quả chủ chốt, gồm: thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh; Tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; Cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời nhấn mạnh, chia sẻ tri thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược mới với trọng tâm là tăng cường môi trường thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy minh bạch tài khóa và trách nhiệm giải trình của khu vực công và hỗ trợ cơ sở hạ tầng đô thị xanh.

CPS nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia thu có nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân. ADB sẽ khuyến khích cả hai vấn đề trên cũng như giúp tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương thức hợp tác công-tư nhằm cải thiện hiệu quả và cung cấp dịch vụ cho người dân, đồng thời tăng cường tiếp cận kiến thức và công nghệ mới. ADB cũng sẽ hỗ trợ sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các biện pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để đáp ứng với các rủi ro đang gia tăng đối với Việt Nam.

Về nguồn lực dự kiến trong giai đoạn 2016-2019, CPS đề xuất duy trì vốn vay của ADB vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5-7 triệu USD một năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỷ USD./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư