Chính thức thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025

Chính thức thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại Viêng Chăn (Lào) ngày 6/9/2016 đã thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025). Bản kế hoạch này nối tiếp sự thành công của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2010, tập trung vào 5 lĩnh vực chiến lược: cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số hóa, logistics không gián đoạn, tối ưu hóa hoạch định và sự di chuyển của con người.

MPAC 2025 được xây dựng trên cơ sở tham vấn với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và các bên liên quan. Các sáng kiến còn lại của MPAC 2010 được xem xét, đánh giá trong MPAC 2025.

Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững: ASEAN cần ít nhất 110 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng mỗi năm để chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai, MPAC 2025 hướng tới giúp các nhà đầu tư mở rộng cơ hội từ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững bằng cách cải thiện quá trình chuẩn bị dự án, nâng cao năng suất, hỗ trợ các thành phố trong việc thông qua các hoạt động bền vững.

Về sáng tạo số hóa: Công nghệ số hóa ở ASEAN có tiềm năng phát triển lên tới 625 tỷ USD vào năm 2030, từ gia tăng hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ mới. Quá trình sáng tạo số hóa đòi hỏi thiết lập các khuôn khổ quản lý để thực hiện dịch vụ số hóa mới, hỗ trợ chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong dữ liệu mở; trang bị cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa năng lực tiếp cận các công nghệ mới.

Về dịch vụ logistics không gián đoạn: Cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành logistics sẽ tạo sự lưu chuyển cho hàng hóa trong cộng đồng ASEAN, gia tăng cơ hội kinh doanh cho công dân ASEAN. MPAC 2025 hướng tới mục tiêu này bằng cách xác định và giải quyết những vướng mắc then chốt đối với các tuyến thương mại quan trọng trong ASEAN.

Về tối ưu hóa hoạch định: Các nước thành viên ASEAN đã cắt giảm đáng kể thuế quan, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong khu vực. MPAC tập trung vào hài hòa tiêu chuẩn, công nhận lẫn nhau và các quy định kỹ thuật, cũng như các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại để đạt được tối ưu hóa hoạch định.

Về sự di chuyển của con người: Số lượng khách du lịch từ ngoài ASEAN có thể đạt 150 triệu người vào năm 2025. MPAC 2025 sẽ tập trung vào việc cung cấp thông tin toàn diện về lựa chọn lữ hành và đơn giản hóa thủ tục thị thực. Điều này cũng sẽ xây dựng các khuôn khổ tiêu chuẩn chất lượng cao ở nhiều nghề nghiệp mà các nước thành viên ASEAN có thể thực thi theo bối cảnh của từng nước, và khuyến khích sự di chuyển của các sinh viên trong ASEAN.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Lào và là Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN cho rằng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 là kế hoạch tham vọng, nhưng cũng rất thực tiễn. ASEAN đã xây dựng các cơ chế thực thi mạnh mẽ để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan và có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong 10 năm tới. ASEAN cũng kỳ vọng với một khu vực có dân số trẻ, vị trí chiến lược và công nghệ đổi mới, nếu MPAC 2025 được triển khai hiệu quả sẽ mang lại nhiều cơ hội giáo dục và kinh tế cho người dân ASEAN và có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả khu vực./.

Nguồn: Báo điện tử CôngThương