Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công

Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công

Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 14 sắp tới sẽ bàn và ban hành nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Trong đó, đầu tư công được đặc biệt chú trọng với nhiều giải pháp chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế từ những năm trước và nâng cao hiệu quả của từng đồng vốn, từng dự án.

Ít, chậm và dàn trải

Câu chuyện về đầu tư công luôn là đề tài được bàn thảo tại nhiều cuộc họp, nhiều diễn đàn gần đây của thành phố. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, thật khó có thể chấp nhận khi một thành phố lớn, nhiều tiềm năng như Hải Phòng mà tỷ lệ nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển quá ít và hạn hẹp. Năm 2015 là năm số thu ngân sách tăng trưởng hơn 30% nhưng chi đầu tư phát triển  chỉ đạt 28,5% trên tổng chi ngân sách thành phố. Những năm trước, tỷ lệ còn thấp hơn, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của thành phố, nhất là nhu cầu chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Nguồn vốn ít nhưng công tác phân bổ, quản lý vốn đầu tư công vẫn chưa khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn. Hiện trên địa bàn thành phố có 371 dự án sử dụng vốn đầu tư công được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư (phần vốn ngân sách nhà nước) là 38.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 102 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm tổng vốn đầu tư công bố trí cho các dự án (sau khi cân đối trả nợ, bố trí cho các chương trình thực hiện các nghị quyết HĐND thành phố) khoảng 2.200 tỷ đồng. Do đó, chỉ có thể cân đối bình quân khoảng 5,9 tỷ đồng/dự án/năm. Như vậy, để bố trí đủ vốn cho một dự án cần tới 17 năm, trong khi theo quy định đối với dự án nhóm C không kéo dài quá 3 năm, dự án nhóm B không quá 5 năm.

Không những thế, UBND cấp huyện, cấp xã còn quyết định đầu tư nhiều dự án vượt quá khả năng về vốn, đầu tư dàn trải; quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện khi chưa rõ cơ cấu nguồn vốn, dẫn đến tình trạng bố trí vốn kéo dài, nợ đọng tăng.

Đến cuối năm 2015, trên địa bàn thành phố còn 128 dự án nợ đọng xây dựng cơ bản (giảm 12 dự án so với cuối năm 2014), với tổng dư nợ là 1.090,4 tỷ đồng (giảm  300,9 tỷ đồng). Tổng số công nợ xây dựng cơ bản của các quận, huyện là 1.966 tỷ đồng (do cấp huyện quyết định đầu tư là 1.683 tỷ đồng, do cấp quận quyết định đầu tư là 282,7 tỷ đồng),  tăng 437 tỷ đồng so với năm 2014.

Tăng chi, nâng cao hiệu quả

Từ thực trạng đó, thành phố đề ra mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, phấn đấu tốc độ tăng chi đầu tư phát triển hằng năm từ 10% trở lên.

Như vậy, nguồn vốn dành cho đầu tư công sẽ tăng lên nhưng kèm theo đó là các yêu cầu, quy định chặt chẽ về xét duyệt các dự án, buộc phải bảo đảm các quy định của pháp luật mới ban hành về đầu tư công, cụ thể là Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015…

Căn cứ quan trọng để thực hiện đầu tư công trong thời gian tới chính là kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 đang được các ngành thành phố hoàn chỉnh trình HĐND thành phố quyết định. Theo đó, các dự án sẽ được bố trí và quyết định theo thứ tự ưu tiên, đồng thời bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, bố trí vốn đối ứng cho các công trình, dự án ODA và bố trí cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp. Sau khi hoàn tất các công việc này, số vốn còn lại mới được bố trí triển khai thực hiện các dự án khởi công mới. UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới, chỉ tham mưu UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án thực sự cấp bách, cấp thiết, phù hợp với quy hoạch và khả năng cân đối nguồn vốn của thành phố; khẩn trương xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn do thành phố quản lý; đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc lập báo cáo giám sát đánh giá đầu tư hàng kỳ, báo cáo UBND thành phố danh sách các chủ đầu tư không lập báo cáo giám sát đánh giá đầu tư để xử lý theo quy định… Đồng thời, từ năm 2016, 40% nguồn vốn đầu tư công sẽ giao cho các địa phương quản lý, quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm. Với các biện pháp quyết liệt như vậy, chắc chắn kỷ cương, kỷ luật và nhất là hiệu quả đầu tư công của thành phố sẽ được nâng cao, khắc phục những yếu kém, hạn chế và đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá trong những năm tới.

 

Hồng Thanh