Nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tại Myanmar

Nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tại Myanmar

Tính đến tháng 12/2015, trong số 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar, Việt Nam đứng thứ 9 về quy mô đầu tư.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) qua 4 năm liên tiếp (2011-2015) tại Hội chợ Triển lãm thương mại-dịch vụ-du lịch Việt Nam-Myanmar (Ho Chi Minh City Expo) cho thấy, Myanmar là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho các DN xuất khẩu Việt Nam.

Với vai trò định hướng cho các DN trong quá trình thâm nhập vào thị trường Myanmar, trong 5 năm vừa qua Bộ Công Thương và ITPC đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại

Ho Chi Minh City Expo 2016 do ITPC sẽ tổ chức tại Yangon, Myanmar (từ ngày 1-4/4) và chương trình khảo sát thị trường tại Yangon và Mandalay (từ ngày 31/3 đến 5/4) sẽ là những cơ hội để DN Việt Nam tìm hiểu thị trường Myanmar trước khi thâm nhập.

Một số DN đã đạt tăng trưởng khá tại thị trường Myanmar.

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang thâm nhập thị trường Myanmar từ năm 1999, là DN có mức tăng trưởng ở thị trường Myanmar khoảng 10-15%/năm. Công ty Dây và Cáp điện (Cadivi) có khách hàng nhập khẩu ổn định sản phẩm từ năm 2013. Công ty cổ phần Bibica đã thâm nhập thị trường Myanmar từ năm 2010. Tập đoàn FPT đã trở thành DN nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông…

Theo các DN này, khi đầu tư vào thị trường Myanmar bên cạnh việc cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan, DN cần phải hiểu được văn hoá, phong tục tập quán của xã hội, con người nơi đây thì mới đón đầu được cơ hội và kinh doanh có hiệu quả.

Chẳng hạn, người dân Myanmar ưu tiên mua sắm những mặt hàng sử dụng trong cuộc sống gia đình. Họ thường chú ý đến giá cả trước, ít chủ động tiếp cận sản phẩm nếu không được giới thiệu, mời chào.

Khi có người chọn mua sản phẩm ưng ý thì mức độ lan truyền thông tin sản phẩm rất nhanh. Sản phẩm có khuyến mãi hoặc rút thăm trúng thưởng sẽ được người tiêu dùng Myanmar quan tâm nhiều hơn.

Hiện nay, người dân Myanmar có cảm tình đặc biệt với hàng Việt Nam.

Doanh nhân Myanmar thân thiện và thường tiếp cận đối tác thông qua người giới thiệu trong ngành hoặc từ các tổ chức liên quan đến Nhà nước. Họ tin tưởng vào các DN đã từng tham gia những sự kiện tại Myanmar.

Khi xuất khẩu vào thị trường này, các DN cần chú ý ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ nhận biết.

Đặc biệt, do tại Myanmar mới chỉ có Văn phòng đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nên việc thanh toán chủ yếu qua ngân hàng nước thứ ba và các ngân hàng tại Singapore đang được các DN Việt Nam ưu tiên lựa chọn./.

Chinhphu.vn