Đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may: Càng chậm càng thua thiệt

Đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may: Càng chậm càng thua thiệt

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) kỳ vọng được hoàn tất vào cuối năm nay sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU).

 

 

 

 

 

Để ngành dệt may vươn lên tầm cao mới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext) đang tập trung ưu tiên đầu tư để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Hiện thuế nhập khẩu bình quân áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, EU lần lượt là 17-18% và 10-12% trên giá FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Các mức thuế này sẽ có lộ trình cắt giảm dần về 0% theo hiệp định và người tiêu dùng Mỹ, EU sẽ được mua quần áo nhập khẩu từ Việt Nam với giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, những lợi ích nêu trên chỉ có được nếu sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ ‘từ sợi trở đi’ (các khâu sản xuất sợi, vải và may đều phải diễn ra trong các nước TPP thì sản phẩm may mặc cuối cùng mới được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định). Còn quy tắc xuất xứ trong EVFTA lại dựa trên nền tảng ‘từ vải trở đi’. Vì vậy, nếu doanh nghiệp (DN) may không chủ động được nguồn vải – sợi tại Việt Nam hoặc trong khối TPP và EVFTA thì không những khó tận dụng cơ hội, mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường…

Những năm qua, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 80-85% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Chỉ có sợi là ngành dệt may chủ động được gần như hoàn toàn nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu (xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/năm). Xuất khẩu dệt may cả nước đến nay đã đạt mức hơn 20 tỷ USD, song ngành này vẫn phải bỏ ra hơn 10 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, khóa kéo, phụ kiện thời trang… phục vụ sản xuất. Về năng lực sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may, các loại có nguồn gốc tự nhiên như bông, tơ tằm, gai, đay, lanh…

Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nguồn nguyên liệu này hiện nay vẫn chưa phát huy và chỉ đáp ứng được 3-5% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các loại nguyên liệu có nguồn gốc nhân tạo, xơ – sợi nhân tạo hầu như chưa sản xuất được ở trong nước; xơ sợi tổng hợp đã có nhà máy bắt đầu sản xuất nhưng sản lượng thấp và chưa đáp ứng được chất lượng sản phẩm. Vì vậy, phần lớn lượng xơ sợi tổng hợp hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Do đó, giá trị thu về của ngành rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt được hằng năm.

Con đường duy nhất để tạo sự bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam là phải có nền tảng công nghiệp phụ trợ, trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu cho tổng lượng hàng may mặc sản xuất hằng năm. Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatext cho biết, điều cốt yếu là cần thành lập các cụm công nghiệp nguyên phụ liệu, giải quyết nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại, hoặc các công đoạn của ngành may như giặt, in…

Như vậy, giá thành sẽ cạnh tranh và môi trường được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp phụ liệu về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư…; hỗ trợ vốn xây dựng cơ bản và thiết bị; lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho các DN sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, DN thực hiện phương thức FOB cho các đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên…

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam theo chuỗi để sẽ hưởng lợi từ TPP, trong khi phần lớn DN trong nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư theo chuỗi. Để khắc phục điểm yếu này, Vinatext đã liên kết với các công ty thành viên của mình theo chuỗi, nhằm chuẩn bị cho việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, cũng như việc cung ứng dịch vụ trọn gói cho khách hàng.

Những năm qua, Tập đoàn đã tập trung cho việc đầu tư vào các khâu yếu, ‘nút thắt’ của ngành như dệt – nhuộm hoàn tất và một loạt các dự án ở khâu này cũng như việc liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng công nghệ, nguồn vốn và nguồn thị trường của đối tác cũng được tích cực triển khai.

Theo Báo Hà Nội mới