Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BIDV tổ chức Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại”

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BIDV tổ chức Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại”

Ngày 07/8/2015, tại Đà Nẵng, theo sáng kiến của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại”.

 

 

 

 

Hội thảo có sự tham dự củaÔng Vũ Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Vương Đình Huệ,Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban KTTW; Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT; ÔngHuỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng;Ông Nguyễn Duy Sơn, Quyền Giám đốc danh mục quốc gia của WB tại Việt Nam; cùng các Bộ, ngành Trung ương; Các đại sứ quán, tổ chức quốc tế,định chế tài chính quốc tế; Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam; Các doanh nghiệp; địa phương; Các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan báo chí…

Huy động và sử dụng vốn ODA, 20 năm nhìn lại

Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua. Hội thảo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA cùng các nguồn vốn khác tại Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo tại Hội thảo, chặng đường 20 năm (1995-2015) là chặng đường mang tính bước ngoặt, khẳng định đường lối đổi mới và hội nhập đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế thông qua nguồn vốn ODA là động lực quan trọng về cả vật chất và tinh thần để Việt Nam vượt qua khó khăn, đặc biệt là hai cuộc khủng hoảng 1997-1999 và 2008-2009, khắc phục những bất ổn, yếu kém để đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội. Với sự thành công của Hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam tại Paris ngày 9-10/11/1993, sự kết nối giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ và thường xuyên. Tính đến tháng 12/2012 đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, cùng với việc quản lý nợ công, khung pháp lý và phương thức quản lý, sử dụng vốn ODA của Việt Nam liên tục được đổi mới, hoàn thiện như: Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12; Nghị định 79/2010/NĐ-CP, Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Các khâu hoạch định chủ trương đến các khâu cụ thể của quá trình quản lý, sử dụng, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án ODA được quy định chặt chẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ, các chương trình, các dự án, các địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của Việt Nam.

Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%. Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…quan trọng hơn sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Tuy nhiên khi nhìn nhận về một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH TW Đảng, Trưởng Ban KTTW cho rằng: Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệpIDA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo; (2) Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA; (3) Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu; (4) Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới dự kiến như sau:

–       Đối với vốn ODA không hoàn lại: Sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo;chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODAvà vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

–       Đối với vốn vay ODA: Sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế – xã hội quốc gia.

–       Đối với vốn vay ưu đãi: Sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,…

       BIDV- đơn vị triển khai thành công sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

Là một ngân hàng có bề dày truyền thống hơn 58 năm, chủ lực trong cho vay đầu tư phát triển đất nước, BIDV được giao thực hiện triển khai quản lý và giải ngân nhiều dự án ODA. Từ thực tiễn đó, BIDV đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, cụ thể:

(1) BIDV quản lý hiệu quả các chương trình/dự án nguồn vốn ODA của Chính phủ với hơn 200 chương trình/dự án, tổng trị giá khoảng 15 tỷ USD, và là một trong những NHTM nhà nước hàng đầu được giao phục vụ nhiều dự án lớn từ các nguồn vốn ủy thác nước ngoài của Chính phủ Nhật, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… cũng như các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, NIB, EIB. Các dự án đã được BIDV phục vụ, thúc đẩy giải ngân nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

(2) BIDV thực hiện thành công vai trò Ngân hàng Bán buôn các Dự án Tài chính nông thôn I, II, III: Từ 2002, BIDV được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện chức năng Chủ Dự án cho chuỗi 3 Dự án TCNT từ vốn vay của WB tương đương 548 triệu USD. Các Dự án TCNT đã bổ sung lượng vốn cho đầu tư phát triển khu vực nông thôn trên 44 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD), tài trợ trên 1,7 triệu phương án sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và các doanh nghiệp, trong đó có trên 600 nghìn hộ nghèo, tạo ra trên 410 nghìn việc làm mới ở khu vực nông thôn trên toàn quốc.

(3) BIDV góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong quan hệ với cộng đồng nhà tài trợ quốc tế. WB đánh giá Việt Nam là nước triển khai thành công nhất mô hình dự án Tài chính nông thôn trên thế giới, cả về mặt mô hình thực hiện, công tác quản lý, tổ chức triển khai cũng như về hiệu quả đầu tư và tác động kinh tế – xã hội đối với khu vực nông thôn.

Với vai trò là ngân hàng phục vụ các Dự án ODA trong 20 năm qua, Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đưa ra một số đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới:

–       Về định hướng huy động và sử dụng nguồn vốn ODA: Tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các Dự án phát triển kinh tế xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh, phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, phát triển doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

–       Về hoàn thiện cơ chế chính sách: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ODA của Việt Nam theo hướng hài hòa với qui trình và thủ tục của Nhà tài trợ. Trước hết cần điều chỉnh lại nội dung liên quan đến cách tính lãi suất cho các tổ chức tín dụng vay lại vốn ODA tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài. Hiện tại lãi suất cho các tổ chức tín dụng vay lại theo qui định của Nghị định 78 (khoảng 8,2%/năm) là tương đối cao, cần được xem xét, điều chỉnh một cách hợp lý.

–       Về vốn đối ứng cho các chương trình/dự án: Vốn đối ứng cho các chương trình/dự án hiện đang là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện ở nhiều dự án, do đó, BIDV đề xuất xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức:Thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước. Các nhà đầu tư có thể được làm chủ dự án hoặc tham gia quản lý các dự án và được chia sẻ lợi ích từ các dự án tương ứng với phần vốn đóng góp.Mở rộng áp dụng hình thức cho các ngân hàng thương mại vay lại nguồn vốn các dự án ODA có cấu phần tín dụng, có thể dưới hình thức là ngân hàng bán buôn (như trong Dự án TCNT) hoặc là ngân hàng bán lẻ nguồn vốn Dự án (trong dự án Năng lượng tái tạo, Dự án Cho vay Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ,…), theo đó các NH tham gia sẽ tự thu xếp phần vốn đối ứng cho dự án.

–       Về mô hình thực hiện Dự án ODA:Mở rộng áp dụng hình thức cho vay lại nguồn vốn ODA theo mô hình cho các tổ chức tín dụng vay lại và chịu rủi ro tín dụng (như trong các Dự án TCNT, Dự án Năng lượng tái tạo, Dự án Cho vay Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ,…), để giảm áp lực về vốn đối ứng trong nước và áp lực về nợ công của Chính phủ, song vẫn đáp ứng được nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các định hướng mục tiêu phát triển đề ra.