Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các KCN tại Việt Nam

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các KCN tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, hệ thống các KCN ngày càng phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện dại hóa của cả nước. Các KCN hiện đang là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực khác nhau với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường toàn cầu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu, giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghiệp và dần khẳng định vị thế nước ta trong bản đồ địa kinh tế của khu vực và thế giới.

Công tác xây dựng quy hoạch phát triển KCN

Danh mục các KCN ưu tiên đầu tư, thành lập mới và mở rộng qua các thời kỳ đến năm 2000, 2010, 2015 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại các Quyết định số 519/TTg ngày 6/8/1996, số 713/TTg ngày 30/8/1997, số 194/1998/QĐ-TTg ngày 01/10/1998 và số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số 171 KCN thành lập mới và 27 KCN mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi cả nước hiện có 461 KCN trong quy hoạch tổng thể phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 142,1 nghìn ha. Trong đó khoảng 82,8 nghìn ha của các KCN đã được thành lập/cấp Giấy chứng nhận đầu tư và 59,4 nghìn ha của các KCN chưa được thành lập.

Tính đến hết tháng 9/2014, cả nước hiện có 295 KCN được thành lập trên tổng số 461 KCN có trong quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên 82,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 55,7 nghìn ha (chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên). Các KCN được thành lập trên 60 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của từng vùng. Ngoài ra, để tạo điều kiện phát triển công nghiệp địa phương một số KCN được thành lập tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như khu vực trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên… Đông Nam Bộ là vùng có số lượng KCN được thành lập nhiều nhất với 100 KCN chiếm 33,9% số KCN của cả nước; tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng với 76 KCN và Tây Nam Bộ với 51 KCN. Điển hình về xây dựng và phát triển các KCN là các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bắc Ninh (Biểu 1).

Biểu 1: Số lượng và diện tích KCN phân bố theo vùng (9/2014)

Vùng

Số lượng KCN Tỷ lệ % so với cả nước Diện tích (ha) Tỷ lệ % so với cả nước
TDMN phía Bắc 24 8,1       5.304 6,4
Đồng bằng sông Hồng 76 25,8     17.824 21,5
Miền Trung 37 12,5     10.277 12,4
Tây Nguyên 7 2,4       1.073 1,3
Đông Nam Bộ 100 33,9     35.582 43,0
Tây Nam Bộ 51 17,3     12.780 15,4
Tổng số 295 100,0    82.841 100,0

Nguồn: Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp kết quả rà soát các KCN có trong quy hoạch phát triển KCN đã được phê duyệt trên phạm vi cả nước đến năm 2020, cho thấy có 58 KCN có trong quy hoạch nhưng mới thành lập một phần diện tích; 9 KCN đã thu hồi GCNĐT để xem xét chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn và 157 KCN có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập, và sẽ tiếp tục được thành lập trong giai đoạn đến 2020 khi đáp ứng đủ điều kiện.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số KCN và diện tích còn lại chưa thành lập lớn nhất (chiếm 36,6% về số lượng và 36,1% về diện tích của cả nước), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (chiếm 14,7% về số lượng và 20,5% về diện tích của cả nước) và vùng Tây Nam Bộ (chiếm 20,5% về số lượng và 18,6% về diện tích của cả nước) (Biểu 2).

Biểu 2KCN có trong quy hoạch đã thành lập một phần diện tích và KCN có trong quy hoạch toàn bộ diện tích chưa thành lập (*) (9/2014)

Vùng Tổng DT đến năm 2020 (ha) Số KCN đã thành lập một phần DT Số KCN toàn bộ DT chưa thành lập Diện tích đã thành lập (ha) Diện tích còn lại chưa thành lập (ha) Tỷ lệ % so với     cả nước
Về số lượng Về DT
TDMN phía Bắc 6.447 8 15 1.502 4.946 10,3 8,3
Đồng bằng sông Hồng 26.507 22 60 5.109 21.398 36,6 36,1
Duyên hải miền Trung 11.133 10 24 2.321 8.812 15,2 14,8
Tây Nguyên 1.145 2 4 138 1.007 2,7 1,7
Đông Nam Bộ 13.526 9 24 1.366 12.160 14,7 20,5
Tây Nam Bộ 12.161 7 39 1.133 11.028 20,5 18,6
Tổng số 70.920 58 166 11.569 59.351 100 100

Nguồn: Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ghi chú: (*) không tính các KCN có trong quy hoạch đã thành lập toàn bộ diện tích.

Hầu hết các KCN được thành lập và mở rộng là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống các KCN đã được hình thành với tổng diện tích khoảng 82,8 nghìn ha, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển xuất khẩu…

Tình hình đầu tư xây dựng và phát triển KCN

Về đầu tư xây dựng hạ tầng

295 KCN thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo các hình thức đầu tư khác nhau, bao gồm: 41 KCN do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) làm chủ đầu tư; 212 KCN do các doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 42 KCN do công ty phát triển hạ tầng hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu (đơn vị sự nghiệp) làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đăng ký kết cấu hạ tầng của 295 KCN tương đương 12,8 tỷ USD, trong đó KCN do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 55,4% vốn đăng ký và các KCN do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư có vốn đầu tư đăng ký là 9,22 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 41,5% vốn đăng ký.

Về thu hút đầu tư

Trong 295 KCN đã được thành lập có 208 KCN đang hoạt động và 87 KCN đang đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến hết tháng 9/2014, các KCN đã thu hút được 5.325 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 79,4 tỷ USD và 5.262 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 25,6 tỷ USD. Các dự án đầu tư trong KCN đã tạo việc làm cho trên 2,25 triệu lao động trực tiếp. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 65%. Các tỉnh, thành phố có nhiều KCN đi vào hoạt động và đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (Biểu 3).

Biểu 3: Tình hình thu hút đầu tư và lao động các KCN (9/2014)

Vùng Đầu tư nước ngoài

(triệu USD)

Đầu tư trong nước

(tỷ đồng)

Lao động

(1.000 người)

Dự án Đăng ký Thực hiện Dự án Đăng ký Thực hiện
TDMN phía Bắc 183 6.324 2.526 332 41.312 23.126 94,1
Đồng bằng Sông Hồng 1.337 20.642 11.967 1.101 113.484 65.429 578,9
Duyên hải miền Trung 204 3.890 1.345 986 63.200 25.454 170,4
Tây Nguyên 25 156 38 149 9.099 3.202 7,1
Đông Nam Bộ 3.173 44.371 26.518 1.726 190.583 112.587 1.164,0
Tây Nam Bộ 403 3.984 2.226 968 94.350 25.325 235,8
Tổng 5.325 79.365 44.620 5.262 512.028 255.124 2.250,3

Nguồn: Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tỷ suất vốn đầu tư bình quân của các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài/ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 4,14 triệu USD/ha. Tổng số lao động bình quân/ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 89 người/ha.

Hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN, KCX chiếm từ 40-45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước. Tính riêng trong ngành công nghiệp, các KCN, KCX thu hút khoảng 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Có thể khẳng định, các KCN là một công cụ hữu hiệu để thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa trong phạm vi địa phương và trên cả nước. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại như:  Samsung, Nokia, Canon,  Panasonic,… đã đầu tư trong KCN, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông.

Về xây dựng hệ thống xử lý nước thải

Tính đến hết tháng 9/2014, có165/295 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm gần 56% tổng số KCN đã được thành lập và 80% tổng số KCN đang hoạt động. 85% doanh nghiệp thứ cấp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của KCN. Tổng công suất xử lý nước thải của các  nhà máy hiện đang hoạt động đạt 595 ngàn m3/ngày đêm. Ngoài ra, hiện có 33 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 98,4 ngàn m3/ngày đêm. Các nhà máy xử lý nước thải đã đi vào hoạt động tập trung phần lớn tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, chiếm 67,3% tổng số KCN có nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động và bằng 76,6% tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải hiện có.

Nhà ở cho người lao động

Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX, KKT đã bổ sung quy định mới dành một phần diện tích KCN đã giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở cho người lao động. Đây thực sự là một điều kiện thuận lợi hơn để phát triển nhà ở cho người lao động trong KCN tại các địa phương, cũng là tạo điều kiện để giải quyết vấn đề quỹ đất và quy hoạch nhà ở gắn với quy hoạch KCN.

Kết quả đóng góp của các KCN vào phát triển kinh tế

Vai trò và đóng góp ngày càng tích cực của các doanh nghiệp KCN trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước đã tăng liên tục từ mức khoảng 14% năm 2000 lên 28% năm 2005, 32% năm 2010 và 39% năm 2013.

Hai là, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng lên đáng kể từ mức khoảng 15% năm 2000 lên khoảng 20% năm 2005, 25% năm 2010 và 34% năm 2013.

Ba là, các doanh nghiệp KCN bước đầu có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.Trong thời kỳ 2001-2005 các doanh nghiệp KCN nộp ngân sách đạt khoảng 2 tỷ USD, trong thời kỳ 2006-2010 là 5,9 tỷ USD và trong 03 năm 2011-2013 là 5,2 tỷ USD.

Bốn là, nếu tính bình quân 1 ha đất công nghiệp có thể cho thuê trong năm 2013, các KCN đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 3,8 triệu USD/ha, giá trị xuất khẩu 2,12 triệu USD/ha, nộp ngân sách khoảng 1,5 tỷ đồng/ha. Trung bình 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê đã tạo việc làm cho 86 lao động trực tiếp.

Như vậy, nếu so sánh các chỉ tiêu đầu tư, giá trị sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm trên 1 ha đất của các KCN so với 1 ha đất nông nghiệp thì có thể thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của các KCN.

Năm là, việc phát triển các KCN đã tạo nên những vùng công nghiệp tập trung, tác động tích cực tới việc phát triển các vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất.

Một số hạn chế trong công tác quy hoạch

Công tác quy hoạch xây dựng KCN đã bộc lộc một số hạn chế: một số KCN được thành lập với diện tích thực tế của KCN sau khi đo đạc chênh lệch lớn hơn so với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt; việc đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập KCN của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương; việc triển khai quy hoạch KCN đã được duyệt của một số địa phương còn hạn chế, chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch KCN với các mục tiêu và phân kỳ thành lập, mở rộng KCN cụ thể, hợp lý căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, các KCN được quy hoạch trong khu vực có diện tích đất trồng lúa nước với năng suất ổn định và quy mô diện tích lớn, khu vực đông dân cư nên gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư; thiếu lao động được đào tạo trong khi người dân bị thu hồi đất lại không có việc làm; thiếu nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, một số KCN được quy hoạch trước đây nằm trong khu vực dự kiến mở rộng nội thành, nội thị của các thành phố, thị xã hoặc tại những vị trí không thuận lợi về điều kiện kết nối hạ tầng kỹ thuật.

Định hướng giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển KCN

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển của các KCN trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch KCN

Xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành khác. Phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định.

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.

Hạn chế tối đa việc tăng diện tích, bổ sung mới quy hoạch KCN; tập trung phát triển các KCN đã thành lập, chỉ thành lập thêm KCN khi đáp ứng điều kiện theo quy định.

Theo định hướng nêu trên, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát điều chỉnh quy hoạch, trong đó, giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các KCN chậm triển khai, không hiệu quả…

Hai là, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào KCN

Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào với ngoài hàng rào KCN. Đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình tiện nghi, tiện ích phục vụ đời sống người lao động KCN.

Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường

Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các KCN gắn với việc thực hiện các chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường một cách cụ thể, kiên quyết và dứt điểm (kể cả việc xử phạt, chấn dứt hoạt động hay thu hồi GCNĐT của dự án đầu tư);

Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho các cơ quan liên quan đến KCN, KKT để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có đầy đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường KCN.

Bốn là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Chú trọng, đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, nhất là các vùng nông thôn bị thu hồi đất làm KCN; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho KCN; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động ngày càng được nâng cao.

Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh gắn với nâng cao trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động và của cộng đồng.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách mang tính khuyến khích cao để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động KCN thuê; chú trọng huy động nguồn lực sẵn có trong dân cư gắn với kiểm soát tiêu chuẩn xây dựng, kinh doanh nhà ở cho người lao động thuê.

Năm là, nghiên cứu, điều chỉnh mô hình phát triển KCN cho phù hợp

Thực tiễn hoạt động của các KCN trong thời gian qua đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu, điều chỉnh mô hình KCN cho phù hợp thực tiễn phát triển của Việt Nam và xu hướng trên thế giới. Đó là vấn đề kết hợp giữa phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, đô thị, và các công trình tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ người lao động; phát triển các KCN có tính liên kết ngành cao, tính chuyên sâu cao; KCN hỗ trợ; KCN sinh thái; KCN công nghệ cao.

Sáu là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành liên quan tới KCN về ưu đãi thuế TNDN, ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư, giảm chi phí tiếp cận đất đai, tăng cường phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp từ Trung ương tới địa phương;

Nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng loại mô hình phát triển KCN mới;

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.