Qũy hỗ trợ nông dân: Bổ sung vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động

Hiện nay, tổng dư nợ cho vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) các cấp trên địa bàn Hải Phòng là hơn 44 tỷ đồng, với 1454 hộ vay thực hiện 526 dự án. Các dự án vay vốn QHTND sau khi hoàn thành vòng vay vốn đạt được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, thu nhập đạt tương đương hoặc cao hơn dự toán ban đầu.

Mô hình nuôi tôm của gia đình bà Đinh Thị Thư ở phường Nam Hải, quận Hải An được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. 

Thiết thực hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, làm giàu

Năm 2017, thông qua Hội Nông dân phường, bà Đinh Thị Thư, hội viên nông dân chi hội tổ dân phố 14, phường Nam Hải (quận Hải An) được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư 1 ha ao nuôi tôm sú. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, vụ tôm đầu tiên của gia đình bà Thư thắng lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công ban đầu, bà Thư tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm và các loại thủy sản khác lên 3 ha. Để hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, với sự hướng dẫn của Hội Nông dân phường, bà Thư cùng 11 hộ hội viên nông dân khác thành lập tổ hợp tác kinh tế. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vay vốn từ nguồn QHTND, được tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế… Hiện, mô hình tổ hợp tác kinh tế nuôi trồng thủy sản có tổng diện tích hơn 30 ha, mức đầu tư kinh phí đắp ao đầm, trang thiết bị, giống, nhà bảo vệ…. là trên 6 tỷ đồng. Trừ chi phí, hằng năm cho thu nhập từ 600-800 triệu đồng/hộ, tạo việc làm ổn định cho cả tổ hợp tác với 22 lao động, thu nhập bình quân từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Hỗ Đông, xã Hồng Phong (huyện An Dương) vay 50 triệu đồng từ QHTND của thành phố. Từ nguồn vốn vay này, ông Dũng đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gà gia công cho Công ty CP giống gia cầm Lượng Huệ với quy mô 11.000 con gà/lứa. Nhờ thực hiện chăn nuôi khép kín, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, mô hình mang lại thu nhập ổn định, cao gấp 5-7 lần so với chăn nuôi nhỏ lẻ, không liên kết trước kia.

Không riêng bà Thư, ông Dũng, với hàng nghìn lượt hộ nông dân khác trên địa bàn thành phố, QHTNT trở thành kênh tín dụng thiết thực với nhà nông. Không những thế, đây còn là địa chỉ tập hợp, tổ chức hội viên nông dân cùng liên kết phát triển các mô hình nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Khơi thông nguồn vốn, tăng cường nghiệp vụ quản lý

Hiện nay, nguồn vốn QHTND thành phố Hải Phòng quản lý 3 cấp là hơn 44 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn QHTND Trung ương ủy thác hơn 14,7 tỷ đồng; nguồn vốn QHTND thành phố là hơn 17,3 tỷ đồng và nguồn vốn cấp huyện đạt hơn 11,9 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, QHTND thành phố tăng hơn 5,3 tỷ đồng, đạt 106,8% so với chỉ tiêu Trung ương Hội giao.

Thông qua hoạt động cho vay của QHTND, các cấp Hội Nông dân thành phố thành lập được 169 tổ hợp tác kinh tế và 3 hợp tác xã theo Luật HTX. Kết quả này góp phần tích cực cùng các địa phương hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tuy vậy, theo đánh giá chung của cán bộ, hội viên nông dân thành phố, việc xây dựng và phát triển quỹ hiện nay gặp một số khó khăn. Nhất là nguồn vốn bổ sung hằng năm từ ngân sách cấp quận, huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Công tác quản lý tài chính QHTNH ở một số huyện, quận, xã, phường còn lúng túng; chưa hạch toán phí QHTND và các nguồn phí khác theo đúng quy định; hệ thống sổ sách còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu cho QHTND ở một số đơn vị cấp huyện, quận còn chưa tinh thông và nắm chắc nghiệp vụ, từ đó dẫn tới việc hướng dẫn cấp cơ sở lựa chọn mô hình, xây dựng còn vướng mắc.

Để khắc phục khó khăn trên, Hội Nông dân Hải Phòng đang triển khai xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động QHTND thành phố Hải Phòng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho nông dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2020- 2030”. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Quỹ, tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý quỹ ở cơ sở; chỉ đạo Hội Nông dân các quận, huyện và cơ sở tập trung đầu tư vốn thông qua các dự án để xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và lồng ghép với các hoạt động khác của hội…

Để QHTND phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Hội Nông dân Hải Phòng đề nghị thành phố quan tâm, định kỳ chỉ đạo UBND các quận, huyện hằng năm cấp bổ sung nguồn vốn quỹ thuộc HND các huyện, quận từ nguồn ngân sách. Tạo điều kiện để quỹ được tiếp nhận các nguồn vốn từ vận động, tiếp nhận nhà tài trợ từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường, nâng cao chất lượng đời sống.

Bài: Hà Minh – Ảnh: Hà Trung