Thu ngân sách 2 tháng đầu năm: Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Cục Thuế Hải Phòng, 2 tháng đầu năm 2020, số thu ngân sách nội địa của Hải Phòng vẫn tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thì cần sớm có các giải pháp phù hợp trong những tháng tới để duy trì tốc độ thu.

Nhà máy sản xuất ô tô VinFast có số nộp ngân sách lớn.

Một số khoản thu tăng khá

2 tháng, tổng thu ngân sách nội địa của thành phố đạt 4936,2 tỷ đồng, bằng 16% dự toán pháp lệnh, 15% dự toán phấn đấu, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh kinh tế thành phố và cả nước phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19 thì kết quả thu ngân sách này là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, thể hiện sự bền vững trong phát triển kinh tế của Hải Phòng những năm qua.

Trong các khu vực thu chủ yếu, ngoài khối doanh nghiệp địa phương số thu sụt giảm khá nhiều, còn lại đều ổn định và tăng trưởng. Nguyên nhân có được sự tăng trưởng đột biến này là nhờ khoản thuế tiêu thụ đặc biệt của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast. Ngoài ra, thu tiền sử dụng đất cũng có tín hiệu tốt ngay từ đầu năm với số thu 423,8 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất đạt 61,7 tỷ đồng, tăng 3,6%; thu tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2019…

Như vậy, có thể thấy, kết quả thu ngân sách đầu năm vẫn tiếp nối đà thu, tốc độ thu những tháng cuối năm 2019. Trong đó, một số nhân tố mới, nhất là Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast vẫn đóng góp những khoản thu chủ lực cho ngân sách thành phố.

Riết róng thực hiện các giải pháp

Tuy nhiên, 2 tháng qua, có một số khoản thu vẫn sụt giảm. Theo Cục Thuế Hải Phòng, sở dĩ số thu khu vực doanh nghiệp địa phương giảm mạnh là do ảnh hưởng của Nghị định 100, sản lượng sản xuất bia giảm hẳn, kéo theo sự giảm sút của thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng thuốc lá cũng chưa đạt như mong muốn. Khoản phí hạ tầng cảng biển 2 tháng qua cũng có nhiều khó khăn, vì vậy mới đạt gần 170 tỷ đồng, bằng 85,2% so với cùng kỳ 2 tháng năm 2019. Ngoài ra, tuy VinFast có số nộp ngân sách lớn nhưng chưa đạt yêu cầu (theo tính toán và dự kiến thu, mỗi tháng VinFast nộp 600 tỷ đồng bao gồm cả thuế nhà thầu và thuế tiêu thụ đặc biệt).

Trước kết quả thu ngân sách 2 tháng đầu năm, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh công tác chống thất thu thất thoát để tăng thu, số thu tháng 3 phải bật lên để hoàn thành kế hoạch thu thuế quý 1- 2020. Trong đó, cần dự báo trước mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp để có ứng phó kịp thời, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, phát sinh doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Đồng thời, tăng cường quản lý và đôn đốc nộp ngân sách các khoản thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… để bù đắp cho khoản thu từ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Qua rà soát của các ngành thành phố, hiện còn nhiều nhà thầu xây dựng các công trình, dự án có doanh thu khá lớn nhưng chưa kê khai nộp thuế nhà thầu nên tháng 3 cần phối hợp để thu. Cục Thuế cũng đang yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập kinh doanh đa ngành nghề có doanh số lớn nhưng số nộp không đáng kể. Bên cạnh đó là làm rõ sự chênh lệch về số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động với doanh nghiệp kê khai nộp thuế, tổ chức điều tra, làm rõ và đưa vào quản lý thu thuế… Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế cũng phải nhanh chóng đưa vào danh sách thu.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, tuy nguồn thu ngân sách nội địa của thành phố bị ảnh hưởng của một số yếu tố nhưng tiềm năng thu còn lớn, các khoản còn thất thu, thất thoát, chưa quản lý được cũng đã chỉ ra. Từ đó, Cục Thuế yêu cầu các phòng trực thu, các chi cục thuế quận, huyện phải xây dựng kế hoạch thu, kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo từng tháng, từng quý, kiểm điểm tiến độ thường xuyên và có giải pháp bù đắp các khoản hụt thu; đề xuất với Trung ương, thành phố giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho doanh nghiệp để tăng số thu phát sinh, đáp ứng yêu cầu thu ngân sách của thành phố.

Bài: Thanh Hiệp – Ảnh: Duy Thính