Vốn đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng tăng mạnh

Vốn đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng tăng mạnh

Hải Phòng là thành phố cảng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Với lợi thế này, Hải Phòng là một trong số ít địa phương đi đầu và sớm đón nhận nguồn vốn FDI.

Do xác định rõ lợi thế so sánh, coi phát triển kinh tế đối ngoại là động lực, là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Hải Phòng thu hút vốn đầu tư đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản đang đứng vị trí thứ nhất về số dự án và số vốn đầu tư (85 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 2,4 tỷ USD), Hàn Quốc đứng thứ tư về số dự án (37 dự án) và đứng thứ hai về vốn đầu tư (1,056 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký trong 5 năm qua bằng 1,5 lần tổng vốn FDI thu hút được của tất cả các năm trước đó cộng lại. Thu hút vốn FDI những năm gần đây đã chuyển dịch theo hướng tăng về dịch vụ, thương mại, bất động sản; công nghiệp tập trung vào các dự án chế biến, chế tạo cơ khí, thân thiện với môi trường.

6 tháng đầu năm, GDP thành phố Hải Phòng tăng 7,2%; sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 14,6%; lượng khách du lịch tăng 7,1%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 637 triệu USD. Mô hình tăng trưởng của thành phố từng bước chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút được nhiều dự án sử dụng công nghệ cao đầu tư.

Điển hình, tại Khu công nghiệp Đình Vũ hiện có 53 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, KCN này thu hút 125 triệu USD vốn đầu tư. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đầu tư của nhiều doanh nghiệp tới từ các quốc gia lớn và nhiều ngành nghề khác nhau, KCN Đình Vũ đang là một trong những địa chỉ đầu tư được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Đáng chú ý là KCN đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp tổng hợp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, hóa dầu, logistics… Tại đây đã có nhiều nhà đầu tư lớn như Công ty Bridgestone Việt Nam (sản xuất lốp xe); Công ty Knauf Việt Nam (sản xuất thạch cao tấm); Công ty Tamada Việt Nam (sản xuất bồn chứa bằng kim loại); Công ty Proconco (sản xuất thức ăn gia súc); Công ty dầu nhờn Chevron, Công ty Shin- etsu Việt Nam (tinh chế oxit và kim loại đất hiếm)… Các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ giải quyết việc làm cho 4.500 lao động.

Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng thu hút khoảng 1,1 tỷ USD vốn đầu tư, bao gồm cả nguồn vốn của Công ty TNHH VSIP Hải Phòng. Theo đó, trong nửa đầu năm 2014, VSIP Hải Phòng thu hút được gần 200 triệu USD vốn đầu tư. Đến nay, trong khu công nghiệp có 11 nhà máy đang hoạt động, 10 nhà máy đang được xây dựng; 1 doanh nghiệp đang xin giấy phép đầu tư; 3 doanh nghiệp đã ký cam kết đầu tư vào VSIP Hải Phòng. Các doanh nghiệp hoạt động trong VSIP Hải Phòng chủ yếu tới từ Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Fuji Xerox, Kyocera, Zeon… Các doanh nghiệp này hoạt động ổn định, một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu thành phố; tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động chung của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng Hải Phòng vẫn thu được những kết quả quan trọng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội.