Các nội dung cần thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  1. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp:

Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (mẫu tại Phụ lục II-25 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.

  1. Treo biển tên doanh nghiệp:

Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Góp vốn/ Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua:

– Đối với công ty TNHH 1 thành viên:

Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau thời hạn nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

+ Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

* Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo thời hạn nêu trên. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

* Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.

– Đối với công ty hợp danh:

Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Công ty hợp danh có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên.

– Đối với công ty cổ phần:

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Sau thời hạn nêu trên, nếu có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì Hội đồng quản trị được quyền bán số cổ phần chưa thanh toán. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.

  1. Lập Sổ đăng ký thành viên/ Sổ đăng ký cổ đông:

– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Doanh nghiệp phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Đối với công ty cổ phần:

Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này.

Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu hoặc trích lục, sao chép nội dung sổ đăng ký cổ đông trong giờ làm việc của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán.

  1. Sử dụng con dấu:

 Trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng con dấu được quy định tại Điều 15 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ.

  1. Lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp phải lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

  1. Kê khai và nộp thuế môn bài:

Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã thông báo sử dụng mẫu con dấu, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để kê khai và nộp thuế môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 và Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc nếu Doanh nghiệp chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

  1. Thực hiện quy định về sử dụng lao động:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm:

– Khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện). Số lượng người lao động khai trình không bao gồm những người đang thử việc.

– Gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị (Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.