Vực dậy ngành Đóng tàu Hải Phòng: Cần chiến lược về đào tạo nhân lực

Hai năm trở lại đây, ngành Đóng tàu tại Hải Phòng đã dần hồi phục. Minh chứng là nhiều doanh nghiệp đóng tàu liên tiếp có đơn hàng mới với các đối tác. Tuy nhiên, có nghịch lý hiện các trường đào tạo nghề đóng tàu phải “đốt đuốc” đi tìm sinh viên…

Vực dậy sau khó khăn

Vào thời kỳ hoàng kim những năm 2005 đến năm 2008, ngành công nghiệp Đóng tàu trên địa bàn thành phố với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp đóng tàu, tạo việc làm cho hàng vạn công nhân lao động. Trong đó, phải kể đến những doanh nghiệp đóng tàu tên tuổi như: Bạch Ðằng, Bến Kiền, Nam Triệu, Tam Bạc, Phà Rừng….

Từ đó, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm cơ khí đóng tàu của cả nước, nơi ra đời nhiều con tàu có trọng tải lớn, chuyên dụng, hiện đại cho các đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trên đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoàng kim đến giai đoạn thoái trào vì nhiều nguyên nhân các doanh nghiệp đóng tàu gặp khó khăn do không có đơn hàng sản xuất hoặc các đối tác hủy đơn hàng, nhiều doanh nghiệp chật vật để duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin.

Trong năm 2010 và đầu năm 2011, nhiều công xưởng trong các doanh nghiệp đóng tàu phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp, nhiều con tàu đóng dở dang đành nằm chờ vốn và tìm khác hàng tiêu thụ mới.

Năm 2020, Công ty Đóng tàu Phà Rừng hạ thủy thành công Tàu “TRUONG NGUYEN STAR”.

Do vậy, các doanh nghiệp đóng tàu liêu xiêu, người lao động bỏ công ty ra ngoài làm, đơn vị đối mặt nguy cơ phá sản hiện hữu. Theo báo cáo của Cục Thuế Hải Phòng, tính đến hết tháng 9/2021, tổng nợ thuế của khối doanh nghiệp Vinashin là 256 tỷ đồng.

Nhưng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp ngành Đóng tàu, cùng với quyết tâm của doanh nghiệp đóng tàu ngành công nghiệp Đóng tàu tại Hải Phòng dần hồi phục, thông qua những đơn đặt hàng cuả đối tác khách hàng.

Ông Lê Đoàn Tám, Giám đốc Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương, trụ sở tại chân cầu Khuể, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng cho biết, sau một thời gian ngành Đóng tàu tại Hải Phòng gặp khó khăn trong bối cảnh chung, đến nay doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tìm kiếm các đối tác để phục hồi và duy trì sản xuất. Trong năm 2020, công ty đã ký hợp đồng với các đối tác đóng 4 con tàu, trọng tải từ 5.000 đến 11.000 tấn.

Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2 cùng với Trường Đại học Hàng Hải là cơ sở đào tạo chuyên ngành về đóng tàu

Có thời điểm, công ty tạo việc làm hơn 1.000 công nhân lao động. Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành 3 con tàu và chuẩn bị hoàn thành con tàu 11.000 tấn trong hợp đồng 4 con tàu để bàn giao cho đối tác. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục xúc tiến tìm đối tác để nhận những đơn hàng mới, tạo việc làm cho lao động doanh nghiệp.

Tương tự vậy, tại Công ty đóng tàu Phà Rừng (trụ sở huyện Thủy Nguyên) trong tháng 6/2020 đã hạ thủy thành công tàu chở hàng rời 23.500 DWT số 1 mang tên “TRUONG NGUYEN STAR”.

Đồng thời tiếp tục ký hợp đồng đóng mới tàu chở hàng rời 23.500 DWT số 2. Tiếp đó, trong tháng 10/2021, doanh nghiệp này cũng tổ chức lễ ký hợp đồng và cắt tôn đóng mới sà lan đặt cẩu và chở hàng trên boong trọng tải 13.500 tấn mang tên GLOBAL 01 với Công ty Cổ phần xây lắp và Dịch vụ Toàn Cầu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đóng tàu khác cũng đang vực dậy sau một thời gian dài “ngủ đông” với việc tích cực tìm kiếm đối tác và đơn hàng mới.

“Đốt đuốc” đi tìm sinh viên

Thế nhưng, niềm vui đi cùng với nối lo khi hầu hết các doanh nghiệp đang “khát” công nhân tay nghề cao do các trường đào tạo nghề tàu luôn trong tình trạng “đốt đuốc” đi tìm học viên. Hải Phòng là thành phố công nghiệp trọng điểm với bề dày về ngành đóng tàu.

Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị sẽ xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển trọng điểm của cả nước, trung tâm hàng hải hàng đầu trong khu vực. Do vậy, ngành Đóng tàu có vị trí quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên. Tuy nhiên, có một nghịch lý hiện các ngành đào tạo về chế tạo tàu khó tuyển sinh đầu vào.

Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương II (trụ sở xã Hồng Thái, huyện An Dương) cùng với Trường Đại học Hàng Hải là trường đặc thù đào tạo nghề liên quan đến tàu thủy nằm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Ông Nguyễn Duy Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương II cho biết, với đặc thù là trường mũi nhọn trong đào tạo nghề đóng tàu cung cấp nhân lực cho các tỉnh, thành khu vực phía Bắc cho các doanh nghiệp đóng tàu.

Năm 2005 đến 2008 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp Đóng tàu (trong ảnh sản phẩm đóng tàu do học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng GT-VT Trung ương 2 đóng mới).

Nhà trường đào tạo các chuyên ngành: công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, điện tàu thủy, sửa chữa máy tàu thủy. Vào những thời điểm, ngành chế tạo vỏ tàu thủy có 600 học sinh, sinh viên theo học, tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt 100% làm việc tại các doanh nghiệp đóng tàu lớn trong và ngoài thành phố.

Tuy nhiên, đến nay các ngành nghề trên tuyển sinh gặp khó khăn, trong nhiều năm học không tuyển dụng được sinh viên theo học.

Trong khi đó, ngành Đóng tàu 2 năm trở lại đây bắt đầu hồi phục, nhiều doanh nghiệp đóng tàu trong và ngoài thành phố đã tìm về trường để tuyển sinh viên ra nhưng không tuyển được.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động tay nghề, doanh nghiệp đóng tàu phối hợp với nhà trường vừa nhận lao động phổ thông và dạy đào tạo nghề cho công nhân công ty.

Tuy nhiên, khi tổ chức học các công nhân đều đưa ra lý do sẽ nghỉ làm nếu doanh nghiệp cho đi học. Đơn cử, như trường hợp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 phối hợp với doanh nghiệp đóng tàu tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân việc các ngành nghề đóng tàu không thu hút được học sinh, sinh viên do chế độ lương đối với ngành nghề không cao, phải làm việc trong môi trường độc hại.

Trong khi đó, hiện tại có nhiều sự lựa chọn làm trong các khu công nghiệp lương cao, công việc đỡ vất vả nên thu hút lượng lớn lao động phổ thông về các nhà máy.

Trường Cao đẳng GT-VT Trung ương 2 liên kết với CHLB Đức tổ chức mở 2 lớp Điện tàu thủy và Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy với sự tham gia của 32 sinh viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu học viên theo học các ngành nghề liên quan đến đóng tàu, thời gian qua nhà trường triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2 nêu giải pháp, nhà trường đã phối hợp cùng các doanh nghiệp đóng tàu, tổ chức tư vấn hướng nghiệp đối với các học sinh về việc lựa chọn ngành nghề, cam kết việc làm tại các doanh nghiệp đối với sinh viên khi theo học các ngành nghề đóng tàu.

Nhà trường thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với các học sinh, sinh viên theo học ngành nghề đóng tàu. Đặc biệt, nhà trường tích cực hợp tác với các nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến, hiện đại để đào tạo chuyển giao công nghệ cho học viên.

Đến nay, nhà trường đã phối hợp với CHLB Đức mở 2 lớp dạy nghề: Điện tàu thủy và Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy với 32 sinh viên tham gia. Các sinh viên này sẽ được đài thọ kinh phí đào tạo và có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp đóng tàu tại Đức sau khi kết thúc khóa học.

TRUNG KIÊN

Nguồn: Baohaiphong.com.vn