Các nội dung cần thực hiện sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới:
Để các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập nắm bắt được các bước tiếp theo để chính thức bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), giữ vững vị trí xếp hạng trong Top đầu của cả nước, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng gửi tới quý doanh nghiệp các nội dung cần thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, cụ thể như sau:
- Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
– Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày kể từ ngày được công khai.
- Treo biển tên doanh nghiệp:
Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
- Làm con dấu và sử dụng con dấu:
Dấu của doanh nghiệp bao gồm: dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp được toàn quyền quyết định về nội dung của dấu mình sử dụng mà không chịu ràng buộc bởi quy định pháp luật.
- Kê khai Lệ phí môn bài và nộp Lệ phí môn bài
Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã thông báo sử dụng mẫu con dấu, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để kê khai và nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 và Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc nếu Doanh nghiệp chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được thành lập mới từ ngày 25/02/2020 trở về sau được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020, nhưng vẫn phải nộp tờ khai lệ phí môn bài.
- Đăng ký sử dụng chữ ký số điện tử
Hiện tại tất cả cơ quan thuế trên cả nước yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai thuế điện tử, nên chữ ký số là yêu cầu bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp.
Chữ ký số (chữ ký điện tử hoặc token) được sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến hoặc kê khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử, cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan hành chính khác nếu có… mà không phải in các tờ kê khai, đóng dấu đỏ của công ty. Ngoài ra, hiện nay, chữ ký số còn có thể sử dụng trong các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội.
- Đăng ký sử dụng và thông báo phát hành hóa đơn điện tử
Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14, từ ngày 01/07/2022 các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Căn cứ Quyết định số 1839/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, toàn bộ các doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng bắt buộc phải chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử bắt đầu từ tháng 11/2021.
Sau khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục thông báo phát hành hóa đơn gửi tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Doanh nghiệp có thể tham khảo một số đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử uy tín hiện nay như: Viettel, Viettak, BKAV, Easy-invoice, Misa, VNPT…
- Tổ chức bộ máy kế toán hoặc thuê đơn vị hành nghề làm kế toán
Theo quy định của Luật kế toán, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê đơn vị hành nghề làm kế toán để thực hiện ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các chứng từ, sổ sách kế toán; nộp các loại báo cáo thuế, quyết toán thuế, theo đúng chuẩn mực, chế độ kế toán. Việc đảm bảo hồ sơ kế toán chặt chẽ, xuyên suốt không chỉ góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin quản trị kịp thời cho doanh nghiệp mà còn hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh sản xuất, góp phần tiết giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
- Thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp dự kiến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải thực hiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện của lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đó; triển khai thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các cơ quan quản lý chuyên ngành trước khi chính thức hoạt động kinh doanh. Ví dụ: kinh doanh dịch vụ bảo vệ, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa/quốc tế…
Doanh nghiệp có thể truy cập https://haiphongdpi.gov.vn/thu-tuc-giay-phep-kinh-doanh-co-dieu-kien/ để tìm hiểu các thông tin, đầu mối cán bộ giải quyết thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại thành phố Hải Phòng.
- Góp vốn/ Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua:
– Đối với công ty TNHH 1 thành viên:
Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Sau thời hạn quy định nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- b) Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
* Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo thời hạn nêu trên. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
* Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
– Đối với công ty hợp danh:
Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Công ty hợp danh có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên.
– Đối với công ty cổ phần:
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
Trường hợp sau thời hạn nêu trên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
- a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- c) Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
- Lập Sổ đăng ký thành viên/ Sổ đăng ký cổ đông:
– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Doanh nghiệp phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên theo yêu cầu của thành viên có liên quan. Sổ đăng ký thành viên được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
– Đối với công ty cổ phần:
Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan. Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu hoặc trích lục, sao chép nội dung sổ đăng ký cổ đông trong giờ làm việc của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán.
- Thực hiện quy định về sử dụng lao động:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm:
– Khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện). Số lượng người lao động khai trình không bao gồm những người đang thử việc.
– Gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị (Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
- Lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp phải lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020.