Đinh hướng phát triển không gian đô thị Hải Phòng

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ HẢI PHÒNG

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ HẢI PHÒNG

1. Lựa chọn đất xây dựng đô thị:

– Cải tạo và chỉnh trang khu đô thị cũ hiện có, phát triển các quỹ đất xen kẹp chưa xây dựng.

– Phát triển đô thị mở rộng ra ven đô, chủ đạo theo hướng Đông, Đông Nam và dọc tuyến đường 353 (đường Phạm Văn Đồng đi thị xã Đồ Sơn), hướng Tây Bắc theo quốc lộ 5.

– Mở rộng phát triển hợp lý khu vực Bến Rừng, Bắc sông Cấm, An Dương.

– Khai thác hợp lý quỹ đất dọc các tuyến đường: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 10, cao tốc ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ.

– Phát triển vùng đảo Cát Hải, bãi bồi Đình Vũ, Tràng Cát.

– Phát triển các đô thị vệ tinh: Nâng cấp các thị trấn hiện có, thành lập các thị trấn mới, các khu đô thị mới.

2. Phân khu chức năng

Các khu dân cư đô thị: Tổng diện tích 7.539ha

+ Khu hạn chế phát triển: Bao gồm khu nội thành cũ được giới hạn trong phạm vi từ đường Bạch Đằng – Nguyễn Tri Phương – Hoàng Diệu – Lê Thánh Tông – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Chùa Vẽ (vành đai 1) và một phần trung tâm quận Kiến An gồm 33 phường hiện trạng, dân số khoảng 428.110 người. Bình quân đất xây dựng đô thị khoảng 100m²/người. Tập trung cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng đô thị. Từng bước di dời các nhà máy xí nghiệp, kho tàng để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Tầng cao trung bình 3 ÷ 5 tầng, mật độ xây dựng khoảng 50%, hệ số sử dụng đất 1,5 ÷ 2,5 lần.

+ Khu vực phát triển mở rộng bao gồm:

+, Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm: Phát triển Trung tâm Hành chính – Chính trị mới của thành phố, khu Trung tâm Tài chính – Thương mại – Dịch vụ hình thành khu đô thị mới hiện đại. Dự kiến năm 2025: 251.000 người với diện tích 728ha.

+, Mở rộng về phía Đông: Khai thác hết quỹ đất xây dựng các khu nhà ở mới tại quận Hải An. Diện tích khoảng 1.008ha.

+, Mở rộng về phía Đông Nam dọc đường Phạm Văn Đồng: thành khu đô thị mới đường 353, sân gôn Đồ Sơn và khu giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng ven vành đai xanh sông Đa Độ. Diện tích khoảng 1.899ha.

+, Mở rộng về phía Tây, Tây Bắc: Phát triển đô thị công nghiệp công nghệ cao (An Hồng, Lê Thiện, Đại Bản…), phát triển khu quận Hồng Bàng mở rộng sang huyện An Dương và một phần huyện An Lão, hình thành một khu dân dụng lớn và khu đào tạo, nghỉ dưỡng ở cửa ngõ Thành phố. Diện tích khoảng 1.570ha.

+, Mở rộng về phía Nam: Phát triển khu quận Kiến An thành khu đô thị mới, khu du lịch mới, trên cơ sở khai thác khu cảnh quan sông Lạch Tray, núi Thiên Văn. Diện tích khoảng 770ha.

3. Hệ thống trung tâm các công trình dịch vụ công cộng

Tổng diện tích đất xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng khoảng 1.163ha được bố trí như sau:

+ Dịch vụ thương mại: Diện tích 888ha

+ Giáo dục: Diện tích 40ha

+ Y tế: Diện tích 30ha

+ Văn hoá: Diện tích 25ha

+ Cơ quan hành chính – chính trị: Diện tích 180ha

+, Trung tâm thương mại, văn hoá, hành chính, y tế, giáo dục (cấp quận) bố trí thuộc trục trung tâm: Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất, Lạch Tray, trục đại lộ Lê Hồng Phong, trục đại lộ 13-5 (Lạch Tray – Hồ Đông), trục Hồ Sen – Cầu Rào, trục Phạm Văn Đồng, khu đô thị Bắc Sông Cấm và tại các quận.

+, Các công trình phục vụ không thường xuyên được bố trí phân tán, phi tập trung. Hệ thống phục vụ định kỳ được gắn với hệ thống trung tâm quận và các khu ở. Các công trình phục vụ hàng ngày được gắn với đơn vị ở.

+, Tiếp tục hoàn chỉnh và xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí hiện có tại các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và đảo Cát Bà.

Các khu cây xanh, thể dục thể thao: Tổng diện tích 3.890ha

+ Khu công viên cây xanh thành phố: Tổng diện tích 3.866ha

+, Công viên đảo Vũ Yên: Diện tích 750ha.

+, Công viên An Biên: Diện tích 40ha.

+, Công viên Phương Lưu: Diện tích 49ha.

+, Công viên đồi Thiên Văn: Diện tích 100ha.

+, Công viên Hồ Đông: Diện tích 418ha.

+, Công viên Tân Thành: Diện tích 500ha.

+, Hệ thống cây xanh cấp quận, thị trấn: Diện tích 2.009ha.

+ Trung tâm TDTT cấp thành phố, cấp quận: Tổng diện tích 24ha.

Các trung tâm chuyên ngành: Tổng diện tích 786,5ha.

+ Khu trung tâm Hành chính – Chính trị thành phố: 150ha.

+, Giai đoạn đến năm 2015: Tại vị trí hiện nay.

+, Giai đoạn đến năm 2025 : Phát triển sang Bắc sông Cấm.

+ Khu trung tâm văn hóa, thông tin, hội nghị hội thảo… tại khu vực Bắc sông Cấm: Diện tích 43ha.

+ Trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng: Tổng diện tích 139ha.

+, Khu vực Thuỷ Nguyên: Diện tích 25ha.

+, Khu vực Kiến An: Diện tích 18ha.

+, Khu vực Dương Kinh: Diện tích 81ha.

+, Khu vực Ngô Quyền: Diện tích 15ha.

+ Trung tâm y tế cấp vùng: Tổng diện tích 44ha.

+, Khu vực Thuỷ Nguyên: Diện tích 24ha.

+, Khu vực An Đồng: Diện tích 20ha.

+ Trung tâm vui chơi giải trí TDTT: Tổng diện tích 410,5ha.

+, Khu vực Lạch Tray: Diện tích 4,5ha.

+, Khu liên hợp thể thao Olympic: Diện tích 100ha.

+, Khu vực sân golf Thuỷ Nguyên: Diện tích 150ha.

+, Khu vực sân golf Đồ Sơn: Diện tích 156ha.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải: Tổng diện tích 21.640ha bao gồm 8 xã thuộc huyện Thuỷ Nguyên, khu vực đảo Vũ Yên, Đình Vũ, Tràng Cát và đảo Cát Hải sẽ được quản lý đầu tư xây dựng, phát triển theo đồ án quy hoạch xây dựng riêng.

Các trung tâm du lịch: Đồ Sơn, Cát Bà được xác định là trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế gắn với khu du lịch Vịnh Hạ Long.

Các khu công nghiệp, kho tàng

Tổng diện tích đất công nghiệp, kho tàng đến năm 2025 sẽ đạt 16.329ha được phân thành các khu và cụm công nghiệp:

+ Các khu công nghiệp: Gồm 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt trong Quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp Việt Nam có tổng diện tích 9.504ha.

+ Các cụm công nghiệp địa phương: Có quy mô khoảng 6.825ha tập trung tại các khu vực sau: dọc theo quốc lộ 5, quốc lộ 10, huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo, quận Hải An, quận Đồ Sơn và ven sông Văn Úc, sông Bạch Đằng, sông Cấm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng.

Khu quốc phòng, an ninh: Tổng diện tích 2.027 ha

Trên cơ sở các khu quốc phòng an ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ – TTg ngày 12 tháng 8 năm 2002, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy hoạch vị trí các khu quân sự, an ninh phù hợp với quy hoạch chung và yêu cầu bảo đảm kết hợp kinh tế, quốc phòng, an ninh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu di tích lịch sử, tôn giáo: Tổng diện tích 268ha

Khu nghĩa trang, nghĩa địa: Tổng diện tích 1.095ha

Khu chức năng khác:

Các vùng nông nghiệp hiện có bao quanh khu vực phát triển đô thị trung tâm (quỹ đất dự trữ phát triển) hạn chế xây dựng, tạo thảm xanh cho đô thị, có tác dụng điều hòa môi trường sinh thái đô thị tạo cân bằng cho đô thị.

Các vùng cấm xây dựng bao gồm: Hành lang an toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hành lang của các khu quân sự, hành lang đê, cây xanh phòng hộ, phạm vi bảo vệ các di tích được xếp hạng, tĩnh không vùng tiếp cận các sân bay Cát Bi, Kiến An và theo quy định khác, khu dự trữ sinh quyển và vườn quốc gia.

4. Tổ chức không gian khu vực ngoại thành:

Khu vực ngoại thành thành phố Hải Phòng gồm 8 huyện có tổng diện tích tự nhiên 115.910,78 ha, chiếm tỷ lệ 76% toàn thành phố. Đến năm 2025 gồm 7 huyện với diện tích tự nhiên 98.481,83 ha chiếm 65% toàn thành phố. Dân số vùng ngoại thành đến năm 2025 là khoảng 900.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 300.000 người, dân số nông thôn khoảng 600.000 người.

– Phân bố hệ thống đô thị, điểm dân cư vùng ngoại thành như sau:

+ Bảy đô thị vệ tinh: Minh Đức, Núi Đèo, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Núi Đối, Cát Bà;

+ Sáu thị trấn: Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Hoà Bình, Hùng Thắng, Tam Cường, Bạch Long Vĩ;

+ Các điểm dân cư nông thôn.

– Phát triển cơ sở hạ tầng liên kết các điểm dân cư vùng ngoại thành của thành phố Hải Phòng bảo đảm sự thống nhất của hệ thống đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, bố trí hợp lý về không gian – kiến trúc, đồng bộ về kết nối hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo chi phí thời gian di chuyển tối ưu cho các hoạt động ở, làm việc, vui chơi, giải trí của dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố. Mạng lưới giao thông nông thôn từng bước được nâng cấp, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đảm bảo phát triển hài hòa, ổn định về kinh tế – xã hội – an ninh, quốc phòng.

– Phân bố khu vực đất nông nghiệp: Tập trung chủ yếu ở phía Nam Thành phố thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy và một phần phía Bắc thuộc huyện Thủy Nguyên, một phần phía Tây thuộc huyện An Lão.

– Phân bố khu vực đất nuôi trồng thủy hải sản: Tập trung chủ yếu tại các đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ.

– Phân bố khu vực đất lâm nghiệp: hệ thống rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Hình thành vành đai xanh bảo vệ Thành phố, các công viên rừng Thiên Văn, núi Voi, núi Đèo, Vũ Yên, Đồ Sơn, các khu nghỉ Cát Bà, Đồ Sơn. Hoàn chỉnh các chức năng của vùng ngoại thành đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

a) Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đến năm 2020

– Điều chỉnh cơ cấu ngành sản phẩm kinh tế thành phố theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội nhất là cảng cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp kinh tế biển, kinh tế đô thị hiện đại, hiệu quả, tăng trưởng nhanh, bền vững. Nâng tỷ trọng ngành sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo; tỷ trọng nội địa hóa; nâng thị phẩn sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp trong nước; đưa dịch vụ vươn ra kết nối trực tiếp với các cảng lớn các châu lục, Tây Nam Trung Quốc; nâng tỷ trọng ngành sản phẩm xanh; tỷ trọng sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào các ngành dịch vụ: Logistics, dịch vụ hàng hải, hàng không, nghiên cứu thiết kế, phát minh –  sáng chế, tài chính  –  ngân hàng, thương mại, giáo dục đào tạo, chữa bệnh chất lượng cao, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hội chợ triển lãm…

Ưu tiên những nghành công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, công nghệ cao thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa; công nghệ nano và ngành công nghiệp kỹ thuật cao trong lĩnh vực điện tử, điện gia dụng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường; có đóng góp lớn cho ngân sách thành phố, khai thác lợi thế về kinh tế biển.

Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất cao và giá trị lớn.

+ Phối hợp thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu ngân hàng trên địa bàn theo hướng chỉ đạo của Chính phủ. Trước hết là tái cơ cấu các đơn vị của Tổng Công ty tàu thủy, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trên địa bàn thành phố.

+ Chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang tăng trưởng hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trong giai đoạn đến năm 2015 và theo chiều sâu trong giai đoạn 2016 – 2020; tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu; đặc biệt chú trọng tăng trưởng xanh, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao; thân thiện với môi trường, phát triển sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các tập toàn lớn trên thế giới có tiềm lực về vốn, thị trường và công nghệ, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường. Nâng cao đóng góp của năng suất lao động xã hội, tiến bộ khoa học – công nghệ trong năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) đạt khoảng 4 – 4,5 vào năm 2020, khoảng 3,5 – 4 vào năm 2025.

+ Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển thành công Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.

+ Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2020 và khoảng hơn 11 tỷ USD vào năm 2025

+ Tăng trưởng dựa trên phát triển kinh tế nhiều thành phần, tăng đóng góp của khu vực ngoài nhà nước trong GDP, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 20% vào năm 2020 và 22% vào năm 2025.

+ Tăng trưởng xanh, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, giảm dần bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, tăng số lượng lao động được giải quyết việc làm mỗi năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

b) Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

– Cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng dịch vụ –  công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Phát triển mạnh các dịch vụ hàng không, logistics, hàng hải, tài chính ngân hàng, thương mại, du lịch hiện đại. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp: Cơ khí sửa chữa và sản xuất phụ tủng thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ các ngành khác; sản xuất linh kiện phụ kiện và thiết bị điện tử trong ngành vận tải thủy, bộ, hàng không, khai thác dầu khí; chế tạo rô bốt, thiết bị thông minh; công nghiệp phần mềm; sản xuất các kim loại cao cấp, các hợp kim đặc chủng với nhiều đặc tính nổi trội; hóa dược, hóa mỹ phẩm, nhựa công nghiệp, hóa dầu, sơn… Nhóm ngành nông lâm thủy sản chuyển dịch theo hướng chủ yếu phục vụ nhu cầu đô thị gắn với công nghiệp, chế biến và du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh khai thác xa bờ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, khai thác thị trưởng xuất, nhập khẩu.

– Chuyển sang mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đóng góp của TFP tịnh tiến tới các nước phát triển, hội nhập quốc tế; tăng trưởng xanh.

Xem thêm Nghị quyết số 21 / NQ-HĐND về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

Xem thêm Quyết định số 1448 /QĐ-TTg ngày 16/09/2009 Về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050

Xem thêm Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 10/07/2008 Về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.