Hiện nay, Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được nhiều đơn, thư, kiến nghị, khiếu nại… của một số tổ chức, cá nhân đề nghị giải quyết tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp, cụ thể như:
– Tranh chấp nội bộ công ty liên quan đến: quyền điều hành, quản lý công ty, sử dụng con dấu, phân chia lợi nhuận, chiếm đoạt tài sản, giả mạo hồ sơ, chữ ký, thành viên/chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích ….
– Tranh chấp công nợ, nợ lương, sa thải lao động trái pháp luật;
– Tranh chấp tên thương mại, thương hiệu, nhãn hiệu;
– Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tiếng ồn, nguồn nước …
– Địa chỉ trụ sở không thuộc quyền sở hữu/ quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp;
…
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp, không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.
Theo đó, tùy vào nội dung tranh chấp, kiến nghị, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc khởi kiện ra Tòa án để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền như:
– Tranh chấp nội bộ, công nợ, nợ lương, sa thải lao động trái pháp luật, quyền sở hữu/quyền sử dụng địa chỉ trụ sở, hợp đồng thuê nhà… thì liên hệ cơ quan Tòa án;
– Tranh chấp tên thương mại, thương hiệu, nhãn hiệu thì liên hệ Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ;
– Ô nhiễm môi trường, tiếng ồn thì liên hệ Ủy ban nhân dân quận/huyện hoặc Sở Tài nguyên Môi trường …