Sáng 12/02/2023, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 30) và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và Bền vững”.
Cùng tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong vùng, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị được tổ chức với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó còn có các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nghị quyết số 30-NQ/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030: “Trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước”.
Và tầm nhìn đến năm 2045: ‘Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường”.
Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Chính phủ đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ và Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà trao 02 Quyết định về quy hoạch cho tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao thỏa thuận hợp tác cho các đối tác phát triển. Lãnh đạo các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng trao 30 giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Trong đó, về phía thành phố Hải Phòng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án mới với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, 142 Lê Lai do Công ty cổ phần Thái – Holding làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng với mục tiêu đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê; Dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1 do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng; Dự án khai thác tàu container do Công ty Zim Integrated shipping services Ltd., (quốc tịch Isarel) và Công ty cổ phần Xếp dỡ Hải An làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 1.383,3 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp các loại hình dịch vụ vận tải biển. Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng về việc nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 trên địa bàn huyện An Lão với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phát biểu tại Hội nghị
Theo sự phân công của Ban Tổ chức, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng trình bày tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Tăng trưởng xanh”. Tại báo cáo tham luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong các năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thế giới và dịch bệnh Covid -19 nhưng thành phố Hải Phòng vẫn phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, thành phố đã có hệ thống giao thông kết nối vùng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho Hải phòng trở thành trung tâm của khu vực. Ông cho biết, để đạt được mục tiêu “Hải Phòng trở thành trung tâm đô thị – dịch vụ – du lịch kết nối với khu vực và thế giới”, trong các năm tới đây, thành phố sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng; cải tạo các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến cảng còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đồng thời sẽ khởi động xây dựng Cảng biển quốc tế Nam Đồ Sơn; đầu tư mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp trong quy hoạch; phát triển và mở rộng không gian đô thị theo ba hướng, đó là phát triển đô thị hướng biển và di chuyển trung tâm chính trị hành chính của thành phố về phía bắc sông Cấm; ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển điện gió tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ; tập trung cao cho việc hoàn thành Đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Trong chuỗi các hoạt động của Hội nghị, thành phố Hải Phòng tham gia 02 gian hàng tại Hội chợ trưng bày các sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong vùng và một số sản phẩm ảnh nghệ thuật về phong cảnh của thành phố tại Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Vùng đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và Bền vững”. Các sản phẩm trưng bày tại gian hàng của thành phố bao gồm tài liệu xúc tiến đầu tư của thành phố và các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, các sản phẩm ocop của địa phương, các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của Công ty TNHH Kinh Doanh Lốp Xe Bridgestone Việt Nam, Công ty TNHH NIPRO Pharma Việt Nam, Công Ty TNHH Fuji Xerox Việt Nam… và 01 gian hàng triển lãm xe ô tô điện, xe máy điện Vinfast.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo thành phố Hải Phòng tham quan gian hàng triển lãm của thành phố Hải Phòng
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, để Vùng đồng bằng Sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực của cả nước./.
_______________________________________________________________________________________
Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước” – Đây là quan điểm xuyên suốt tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
_______________________________________________________________________________________
Thực hiện: Thu Hiền – Phòng Kinh tế đối ngoại