Tàu trọng tải lớn vào làm hàng ở Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện.
(HPĐT)- Từ sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự thống nhất cao của 4 tỉnh, thành phố trên trục cao tốc phía Đông: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên cùng hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, từ đó, tạo thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Tạo thêm không gian phát triển mạnh mẽ
Liên kết kinh tế cấp vùng là một trong những phương hướng chiến lược của Đảng ta và được khẳng định rõ trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030. Để cụ thể hóa, tháng 4-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động liên kết của các tỉnh, thành phố.
Từ bối cảnh và những đánh giá về tiềm năng, lợi thế riêng có của 4 tỉnh, thành phố, VCCI có sáng kiến, ý tưởng liên kết, kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái. Chỉ sau khoảng 3 tháng, từ ý tưởng ban đầu, trải qua nhiều hoạt động tham vấn, với sự thống nhất rất cao của lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố, Đề án kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông được xây dựng, làm tiền đề cho những hoạt động thực chất và hiệu quả giữa các địa phương.
Đề án kết nối tạo ra cơ hội, không gian phát triển mới cho cả 4 địa phương. Tổng diện tích tự nhiên của 4 tỉnh, thành phố gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần Thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng. Về quy mô dân số của 4 địa phương gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số Thành phố Hồ Chí Minh. Bốn địa phương cũng có sự tương đồng, gắn kết chặt chẽ trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ khi cùng nằm trên trục cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương. Quan trọng hơn, cả bốn địa phương đều có sự năng động trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là những địa phương tiến bộ nhất cả nước theo kết quả PCI gần nhất.
Song, so với các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, cả 4 địa phương đều có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn, quy mô thị trường nhỏ hơn, mật độ doanh nghiệp, số lượng và quy mô các dự án đầu tư thấp hơn. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, liên kết kinh tế 4 địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Khi liên kết, các địa phương sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động. Bởi, Hải Phòng có cảng biển quốc tế lớn; Quảng Ninh có cửa khẩu trên bộ và trên biển, kết nối với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc. Hải Phòng, Quảng Ninh cùng có sân bay quốc tế, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ. Hưng Yên và Hải Dương có nguồn nhân lực còn dồi dào, cùng có không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng… Chính vì thế, mô hình liên kết kinh tế sẽ củng cố, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh hiện có của cả 4 địa phương, bù đắp những bất lợi về nguồn lực. Từ đó, bốn địa phương có lợi thế chung để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư chất lượng tốt, khắc phục hạn chế về logistics và cũng qua đó cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh nói chung trong vùng.
Phát huy lợi thế về giao thông, logistics của Hải Phòng
Với những thế mạnh, tiềm năng lợi thế riêng có của Hải Phòng về giao thông, dịch vụ logistics cũng như hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, từ đó việc kết nối kinh tế với các địa phương trong trục cao tốc phía Đông sẽ tạo thêm cơ hội, mở rộng không gian phát triển cho thành phố. Trong đó, nhờ kết cấu hạ tầng cảng biển loại đặc biệt, nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới 12.000 TEUS, tương đương 132.000 DWT. Việc mở rộng, đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, đang được nhà đầu tư triển khai thực hiện. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng tăng nhanh, đạt 151,1 triệu tấn vào năm 2021, với mức trưởng tăng bình quân 15,1%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 70,79 triệu tấn, tăng 7,87% so với cùng kỳ, bằng 42,14% kế hoạch năm. Hải Phòng là địa phương có thế mạnh về vị trí địa lý, đầy đủ 5 loại hình giao thông, phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần logistics. Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics, tổng diện tích kho, bãi hơn 700 ha, được phân bổ tập trung dọc theo khu vực sông Cấm, tại cụm cảng Hoàng Diệu, cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ… Trong 5 năm gần đây, thành phố tập trung nguồn lực, có những bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực hoàn thành như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long; đường và cầu ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10. Đồng thời, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đang phối hợp triển khai thực hiện cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối giữa hai địa phương, cũng như đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, chuẩn bị khởi công mở rộng sân bay quốc tế Cát Bi, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2…
Song, kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ hậu cần logistics của thành phố cũng còn nhiều hạn chế như hệ thống hạ tầng logistics chưa có nhiều khu dịch vụ quy mô; chi phí vận tải còn cao; hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa phương chưa kết nối, hỗ trợ tốt giao thông đường bộ…
Chính vì vậy, tại diễn đàn, lãnh đạo thành phố cũng như các địa phương trục cao tốc phía Đông đều khẳng định, thống nhất cao những yêu cầu, nhiệm vụ kết nối giữa các địa phương, nhất là trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hướng tới vận tải đa phương thức, từ đó tạo sự phát triển đột phá chiến lược. Sự liên kết hợp tác giữa các địa phương về dịch vụ logistics, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu sẽ giúp mỗi địa phương khai thác hiệu quả các lợi thế nổi bật của mình. Trong đó, thành phố Hải Phòng đề xuất tăng cường các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại logistics; hợp tác phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp logistics của 4 địa phương để hình thành và phát triển những chuỗi cung ứng, bảo đảm cung cấp dịch vụ logistics trọn gói ở tất cả các công đoạn; khuyến khích, hỗ trợ, nhất là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn 4 địa phương, từ đó tạo ra giá trị logistics gia tăng cao./.
Đề án kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông ký kết giữa 4 tỉnh, thành phố có 8 nội dung liên kết chính. Đó là xúc tiến thương mại, đầu tư; giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch; trong cải thiện môi trường kinh doanh; trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; trong nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Hoàng Minh – Phan Tuấn
Nguồn: baohaiphong.com.vn