Đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”.

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 23/4 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Sở Công Thương tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”. Hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, góp phần đề xuất xây dựng chính sách phát triển, kêu gọi đầu tư vào ngành dịch vụ logistics Hải Phòng.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics và hàng trăm doanh nghiệp logistics trong và ngoài thành phố Hải Phòng.

Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.

Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ phát biểu tại Hội nghị.

Hải Phòng hướng đến mục tiêu là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, là Trung tâm dịch vụ logistics quốc gia

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ cho biết, Hải Phòng là Đô thị loại 1, là giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng và hiện nay là một trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trọng điểm trong kế hoạch phát triển 2 vành đai 1 vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành Trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17.55%, dịch vụ hàng không cũng được phát triển mạnh mẽ với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế được khai thác. Các dịch vụ logistics đã từng bước được quan tâm, có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ rõ, hiện nay kết quả hoạt động logistics chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố, Hải Phòng chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ…

Phó Chủ tịch cho biết, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQTW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để xác định rõ đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…

Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay mục đích là để lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp của các đơn vị, cơ quan các nhà khoa học, các doanh nghiệp đặc biệt các ý kiến của ban ngành, để phát triển logistics Hải Phòng trong thời gian tới.

Tận dụng lợi thế để đưa Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo kết quả PCI mới được VCCI công bố, Hải Phòng hiện xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang – Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, và là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Song, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Các diễn giả tham gia thảo luận.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics đã thông tin chia sẻ một số vấn đề liên quan như: Tác động của EVFTA đến chuỗi cung ứng dịch vụ logistics Hải Phòng; các chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ, phát triển ngành dịch vụ logistics Hải Phòng; việc liên kết và kết nối nguồn hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng; đẩy mạnh liên kết phát triển logistics giữa Hải Phòng và Quảng Ninh; phát triển hạ tầng logistics, tăng cường kết nối đa phương thức, liên kết vùng qua cửa ngõ cảng biển và hàng không Hải Phòng…

Tại Hội nghị này, Ban vận động Hiệp hội logistics Hải Phòng đã chính thức ra mắt.

Minh Hảo