Quy trình, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014

Quy trình, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014

Ngày 24/12/2014, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Quy trình, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư 2014”. Tham dự Hội thảo có ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài; cùng đại diện các công ty luật và công ty tư vấn.

 

 

 

 

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2014 bao gồm 7 chương, 76 điều, với 6 điểm cải cách quan trọng nhất. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà Luật không cấm, trong đó, việc tập hợp, rà soát và quy định cụ thể hai Danh mục nêu trên tại Luật này theo phương pháp loại trừ (chọn bỏ) đã góp phần đổi mới căn bản nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư kinh doanh tẩt cả các ngành nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo đảm đầu tư phù hợp với quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hoàn thiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng như các nguyên tắc, điều kiện áp dụng ưu đãi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, trong đó, bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước, đơn giản hoá hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (xuống còn 15 ngày). Hoàn thiện chế độ phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Hoàn thiện các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Quách Ngọc Tuấn nhấn mạnh Luật Đầu tư 2014 nhằm thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong những ngành, nghề pháp luật không cấm và hoàn thiện môi trường cơ chế chính sách về đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn nữa huy động có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Luật Đầu tư 2014 góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư, phù hợp các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường, tự do hóa đầu tư. Luật cũng tạo bước chuyển biến về thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đầu tư.

Trình bày về những điểm mới của Luật Đầu tư 2014, đại diện Vụ Pháp chế cho biết Danh mục đầu tư được áp dụng thống nhất giữa đầu tư và kinh doanh đối với ngành, nghề cấm và có điều kiện, trong đó, lĩnh vực có điều kiện được quy định tại Luật, điều kiện cụ thể được quy định tại Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Điều ước. Luật cũng bổ sung quy định áp dụng pháp luật đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong 02 trường hợp: có nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 51% vốn điều lệ hoặc chiếm đa số thành viên công ty hợp danh và trường hợp có tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nói trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Về thủ tục đầu tư, Luật bãi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sửa đổi thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục phân cấp về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc tách hai loại giấy Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh nhằm tách riêng thủ tục đầu tư và thủ tục về doanh nghiệp, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp như nhà đầu tư trong nước. Luật phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện để thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp về điều kiện về tỷ lệ, đối tác; quy định rõ thủ tục thực hiện kiểm tra điều kiện đầu tư, nếu đáp ứng thì thực hiện thủ tục tiếp theo như nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, Luật cũng làm rõ các quy định về ưu đãi đầu tư, các hình thức miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, bổ sung các đối tượng, ngành nghề hưởng ưu đãi; quy định về đầu tư ra nước ngoài; các quy định bảo đảm thực hiện dự án, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về đầu tư.

Ngoài ra, Hội thảo cũng được nghe những góp ý của các đại biểu cho định hướng soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.  Đại diện Vụ Pháp chế đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư./.Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều tình huống liên quan đến Luật Đầu tư 2014 và đã nhận được những phản hồi, giải đáp của Ban soạn thảo Luật. Trả lời cho câu hỏi Luật đã cụ thể hóa tất cả các điều kiện tại cam kết quốc tế chưa, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định cam kết WTO tiếp cận theo cách “chọn cho” trong khi Luật đi theo phương pháp chọn bỏ, ở một số phương diện, cách tiếp cận này mở hơn so với cam kết WTO. Trường hợp tiến hành mua 100% cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp thì sẽ thực hiện thủ tục chuyển nhượng vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi dự án hết thời hạn thực hiện thì sẽ thực hiện chấm dứt hoạt động của dự án còn việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp sẽ được tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thứ nhất và thành lập doanh nghiệp để quản lý dự án này sau đó có nhu cầu thực hiện dự án thứ hai thì nhà đầu tư có hai lựa chọn hoặc là nhà đầu tư làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho mình và thành lập một doanh nghiệp mới để quản lý dự án hoặc doanh nghiệp đã thành lập làm thủ để cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.