Quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Đan Mạch

Quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Đan Mạch

Báo cáo tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Đan Mạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức ngày 11/10/2016 tại Hà Nội cho thấy hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch
Kristian Jensen tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Đan Mạch.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch

Kể từ năm 1992 đến 2015, tổng cam kết viện trợ chính thức của Đan Mạch dành cho Việt Nam đạt khoảng 1.320 triệu USD, với mức cam kế trung bình hằng năm trong giai đoạn 2000-2013 đạt khoảng 64 triệu USD/ năm. Trong những năm gần đây, viện trợ của Đan Mạch chủ yếu theo phương thức hòa đồng ngân sách hoặc tài trợ trực tiếp/ đồng tài trợ cho những dự án, chương trình lớn, điển hình như: Dự án hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giai đoạn 2011-2015; Dự án hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015; Chương trình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam, giai đoạn 2009-2014; Chương trình đối tác tư pháp, giai đoạn 2010-2015; Chương trình thí điểm hợp tác nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2008-2013;…

Thời gian qua, viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch đã góp phần đáng kể vào quá trình giảm nghèo ở nhiều vùng, miền, đặc biệt là khu vực nông thôn Việt Nam. Các dự án viện trợ của Đan Mạch chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị trấn lớn và khu vực nông thôn thuộc vùng đồng bằng Bắc, Bắc Trung bộ, còn phía Nam và khu vực miền núi chưa có nhiều hoặc còn ở mức độ hạn chế. Những năm gần đây, Đan Mạch chuyển hướng chiến lược, tăng cường hỗ trợ cho các tỉnh vùng cao nguyên và miền núi phía Bắc.

Về vốn vay ODA, Việt Nam đã ký với Đan Mạch 3 Hiệp định khung về tín dụng hỗn hợp, trong đó mỗi Hiệp định có trị giá tín dụng là 40 triệu USD. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã ký với các tổ chức tín dụng của Đan Mạch 3 Hiệp định hạn mức tín dụng. Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Hợp tác Phát triển Đan Mạch ký Hiệp định khung mới về các thủ tục và điều khoản chung, các thể chế cấp vốn cho dự án sử dụng Công cụ tài chính doanh nghiệp Danida dành cho Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 22 dự án đã và đang thực hiện với tổng vốn cam kết quy đổi khoảng 120 triệu USD, trong đó có 14 dự án đã hoàn thành, 03 dự án đang thực hiện giải ngân và 05 dự án đang trong quá trình chuẩn bị.

Hợp tác đầu tư Việt Nam – Đan Mạch

Tính đến đầu tháng 9/2016, Đan Mạch đứng thứ 26/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 128 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 632,44 triệu USD. Đan Mạch có dự án đầu tư tại 17 tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 42 dự án, tổng vốn đăng ký 303,61 triệu USD, chiếm 48% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi với 10 dự án, tổng vốn đăng ký là 276,77 triệu USD, chiếm 43,6%; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 30 dự án, tổng vốn đầu tư 31 triệu USD; Các lĩnh vực thông tin truyền thông và nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Vốn đầu tư của Đan Mạch chủ yếu được thực hiện qua hình thức liên doanh với 58 dự án và tổng vốn đầu tư 371,22 triệu USD, chiếm 58,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là hình thức 100% vốn nước ngoài với 70 dự án có tổng vốn đầu tư 261,22 triệu USD, chiếm 41,3%.

Đan Mạch là một trong những nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Việc nâng cao dòng đầu tư nước ngoài từ Đan Mạch cũng như các nước EU vào Việt Nam là một trong những biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa của nước ta. Để tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Đan Mạch, hai bên cần nghiên cứu hướng thành lập các nhóm lĩnh vực có tiềm năng hợp tác giữa hai nước để có thể thường xuyên, định kỳ trao đổi xu hướng đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư. Hợp tác chặt chẽ trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về chính sách, môi trường đầu tư của hai bên để đẩy nhanh dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại. Khai thác tối đa những lợi ích từ việc triển khai các hiệp định đã ký và tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp hai bên hiểu và áp dụng các điều khoản của hiệp định trong hoạt động kinh doanh. Khuyến khích đầu tư vào các ngành vốn là thế mạnh của Đan Mạch như vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi măng, công nghiệp dược, nuôi trồng chế biến thủy sản và công nghệ thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh-sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng, y tế và giáo dục.

Thương mại

Trong những năm gần đây, hợp tác thương mại Việt Nam – Đan Mạch phát triển thuận lợi, đạt những kết quả tích cực, Đan Mạch hiện đứng thứ 43 về thị trường xuất khẩu và đứng thứ 37 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 533 triệu USD, chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 162 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu từ Đan Mạch đạt 199 triệu USD, tăng 47%, cán cân thương mại hai nước đang ở tình trạng nhập siêu.

Đan Mạch là đối tác quan trọng của Việt Nam và cũng là cửa ngõ thương mại quan trọng đối với thị trường Bắc Âu nói riêng và Châu Âu nói chung. Thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại, trong các lĩnh vực môi trường, thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, y tế, giáo dục… trên cơ sở khai thác triệt để, tận dụng những thế mạnh, tiềm năng sẵn có và mang lại lợi ích cho cả hai bên./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư