Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức tái cơ cấu và triển vọng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức tái cơ cấu và triển vọng

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” diễn ra ngày 12/10/2016 tại Hà Nội do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiệm vụ tái cơ cấu sinh ra từ việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bố nguồn lực sai lệch, tập trung vào những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong mô hình đó, vận hành hệ thống phân bố nguồn lực nặng nguyên lý “xin-cho”, dành ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng được coi là “lực lượng chủ đạo” của nền kinh tế, là nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp bằng sự ưu đãi cao thay vì bằng cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Kết quả là sau 30 năm đổi mới, nước ta mới chỉ thoát khỏi nhóm thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Những nỗ lực vật lộn để đạt được các thành tích ngắn hạn đã che lấp tầm nhìn dài hạn, hướng tới công nghệ cao và hội nhập quốc tế… là những đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn.

Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất. Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt Hiệp định hội nhập thế hệ mới, có trình độ cao. Nhiều đối tác trong các Hiệp định là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ca-na-đa, 27 nền kinh tế EU, Nga và Hàn Quốc. Các điều khoản cam kết của các Hiệp định đều đòi hỏi về trình độ và tiêu chuẩn cao, điều kiện thực thi nghiêm ngặt. Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực để bắt kịp các cấu trúc hội nhập này, hưởng lợi ích từ hội nhập và vươn lên.

Tại Diễn đàn, trình bày về vấn đề sắp xếp lại tư duy để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thay đổi trật tự chính sách bằng việc cho chấm dứt hoạt động, cho phá sản các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, gây suy giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, trước hết là khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của nền kinh tế, huy động vốn, nguồn lực xã hội.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng đưa ra một số đề xuất như, phải chuyển nhượng được quyền sử dụng đất của nông dân thành vốn bằng cách bỏ “giao đất, cho thuê đất”, đồng thời thiết lập thể chế cho thị trường quyền sử dụng sơ cấp và thứ cấp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng để chuyển đổi, mua bán quyền sử dụng cần đất đai để đầu tư thì mua bán theo cơ chế thị trường, cải cách Luật ngân sách và tái cơ cấu thu chi ngân sách, bãi bỏ cơ chế “xin-cho” cho doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, áp dụng triệt để nguyên tắc cạnh tranh; Có truy cứu trách nhiệm giải trình đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý; Thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước; Bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, trừ một số ít đặc thù nhưng phải thay đổi cách thức quy hoạch và quản lý quy hoạch; Thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực nhà nước, trước hết là tài sản nhà nước trong nền kinh tế và định giá lại theo nguyên tắc thị trường, lập được cân đối kế toán cho từng đơn vị, tổ chức, địa phương, Bộ, ngành và khu vực nhà nước; Tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản khu vực nhà nước; Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh trên tất cả các mặt từ tài sản, quyền sở hữu tài sản và bảo vệ sở hữu tài sản, gia nhập thị trường, tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh và cải thiện an toàn, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh, tăng mức độ cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng, giải quyết tranh chấp thương mại…

Tại Diễn đàn các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế đã cùng trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Bắt mạch nợ công của Việt Nam; Thách thức và giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam 2016-2020; Doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân Việt Nam kinh doanh trong chật vật./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư