Những vấn đề mới trong lộ trình hội nhập kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tự do hóa thương mại đầu tư

Những vấn đề mới trong lộ trình hội nhập kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Trong khuôn khổ Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương 2016 diễn ra ngày 24/11/2016 tại Hà Nội, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận về những vấn đề cần quan tâm trong lộ trình hội nhập kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tự do hóa thương mại đầu tư do các học giả, chuyên gia kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực trình bày.

Trên bình diện toàn cầu, năm 2016 có nhiều biến cố bất ngờ, tạo ra những thách thức và thay đổi lớn, làm gia tăng bất định đối với quá trình thúc đẩy những thỏa thuận khu vực và toàn cầu nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư, ví dụ cắt giảm và xóa bỏ thuế quan cũng như các rào cản sau biên giới đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Năm 2016 khởi đầu đầy thuận lợi với việc 12 quốc gia chính thức ký kết hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện Brexit đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ của tư tưởng phi chính thống, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, các cá nhân và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc. Xu hướng này cũng được thể hiện qua các cuộc bầu cử ở Châu Âu và một số nước trong khu vực, dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các chính phủ về việc cần truyền đạt một cách hiệu quả về vai trò, lợi ích của sáng tạo và dỡ bỏ các rào cản.

Do tầm quan trọng của việc duy trì tự do hóa thương mại và đầu tư đối với việc tối đa hóa tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như tăng trưởng kinh tế của cả khu vực, đồng thời củng cố tình hình kinh tế toàn cầu, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương không thể không ủng hộ cho những chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Hội nghị cấp cao APEC và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vừa qua đã đề cập những luận điểm này một cách rõ ràng. Với vai trò là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam cần thúc đẩy một chương trình nghị sự tham vọng, phản ánh quan điểm của các nền kinh tế trong khu vực. Quá trình tự do hóa thương mại khu vực đang diễn ra có thể thúc đẩy tăng trưởng đáng kể tại Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và một số lĩnh vực khác như vận tải, hạ tầng, giáo dục, đầu tư.

Theo tham luận, mỗi quốc gia cần cam kết và thực hiện cải cách cơ cấu và cải cách kinh tế vĩ mô, tinh giản các thủ tục, xóa bỏ, cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm hỗ trợ năng suất, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, cũng như hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tìm ra những giải pháp hữu ích để giao tiếp một cách hiệu quả và thuyết phục tới các nhóm xã hội và các ngành công nghiệp tại các nước, những đối tượng cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bất lợi do toàn cầu hóa và tự do hóa.

Những vấn đề mới về tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực

Sự phát triển nhanh chóng của giao thông vận tải và công nghệ thông tin đã tăng cường khả năng kết nối giữa các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, dịch chuyển nội vùng hàng hóa, dịch vụ và du lịch gia tăng đáng kể trong vài thập niên vừa qua. Ở tầm vĩ mô xuyên biên giới, các chính sách hợp tác vùng nổi bật đã được hình thành (khu vực Mê Kông mở rộng, hình thành khu vực kinh tế Hoàng Hải mở rộng).

Chuỗi cung ứng và tình trạng phân mảng sản xuất đều được củng cố, gia tăng bởi khoảng cách địa lý, nguồn lực sẵn có ở mỗi quốc gia nhằm tăng cường kết nối kinh tế xuyên biên giới chặt chẽ hơn. Việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mang lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên nhiều hơn so với các nước chỉ tham gia vào thương mại quốc tế các hàng hóa cuối cùng. Một chuỗi giá trị toàn cầu tiêu chuẩn bao gồm một loạt các giai đoạn sản xuất, từ các sản phẩm mẫu thượng nguồn tới lắp ráp trung nguồn và xây dựng thương hiệu, tiếp thị hạ nguồn.

Các tiến trình hội nhập có những chuyển biến quan trọng cả về hình thức và thực chất, thể hiện qua sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt thương mại ngày càng tăng và các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới thông qua hàng loạt FTA và chính sách hợp tác nội vùng. Hội nhập kinh tế bao gồm việc hài hòa các chính sách kinh tế thông qua xóa bỏ một phần hoặc toàn bộ các rào cản thuế quan, phi thuế quan đối với thương mại, đầu tư và dịch chuyển của các nhân tố qua biên giới. Để tăng cường và thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, một cách tự nhiên các cộng đồng kinh tế sẽ dần phát triển thành các liên minh chính trị.

Tham luận đề xuất một hướng đi khác khi mà TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Khu vực (RCEP) đang gặp khó khăn là khởi xướng đề xuất về một hiệp định có tiêu chuẩn cao hơn, “TPP trừ” chẳng hạn, tận dụng TPP đã được đàm phán làm khung khổ chung, bổ sung thêm một số nước thành viên khác./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư