Tình hình kinh tế – xã hội năm 2017

(MPI) – Ngày 27/12/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo công bố số liệu thông tin kinh tế – xã hội năm 2017. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì Họp báo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Họp báo, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao nhất từ năm 2011 đến nay, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00%.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2017 là 12.113 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với năm trước, trong đó 11.087 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2017 cho thấy: Có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm 2017 tốt hơn quý III; 18,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2018 so với quý IV năm 2017, có 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: MPI

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,5% và tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 12,8%.

Tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện ước tính đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch năm và tăng 7,2% so với năm 2016, gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 3,9%. Vốn địa phương quản lý đạt 226,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% và tăng 8,2%.

Tính đến 20/12/2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút 2.591 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 3,5% về số dự án và tăng 42,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1.188 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 8,4 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2017 lên 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.

Tính đến ngày 15/12/2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2017, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD./.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư