Thu hút vốn đầu tư tư nhân: Cú hích thúc đẩy Hải Phòng phát triển

Nhờ số thu ngân sách nội địa không ngừng tăng nhanh, trung bình mỗi năm thành phố có thể dành ra hơn 10.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, tăng gấp 7-8 lần so với những năm trước. Nhưng số vốn này mới chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển của thành phố. Trong đó, nguồn lực đầu tư tư nhân đang chiếm vai trò trọng yếu, cho thấy chủ trương đúng đắn, hiệu quả cao của thành phố, để nguồn vốn tư nhân thực sự là cú hích thúc đẩy Hải Phòng phát triển.

 

Toàn cảnh Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà có tổng vốn đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Rộng mở các dự án nghìn tỷ đồng

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hải Phòng Lê Trí Vũ, trong 5 năm gần đây, Hải Phòng nở rộ các dự án lớn của các nhà đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực trọng yếu của thành phố, nhất là phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ, góp phần đắc lực tạo cho Hải Phòng một diện mạo bề thế, hiện đại, khác hẳn so với trước đây.

Nổi bật là các dự án của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ. Trong đó, Tập đoàn Sun Group đầu tư tới 3 tỷ USD để thực hiện dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng đảo Cát Bà. Giai đoạn 1 của dự án trị giá 2200 tỷ đồng  được hoàn thành trong tháng 5- 2020 và sẽ được khai thác ngay là tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải- Phù Long dài 4 km cùng hệ thống dịch vụ đặc sắc kèm theo. Cũng tại Cát Bà, Tập đoàn Flamingo đầu tư hơn 4000 tỷ đồng thực hiện tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà, với hơn 1000 phòng nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, công suất phòng lên tới 500.000 khách/năm, đồng thời tích hợp 150 dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp. Giai đoạn đầu cơ bản hoàn thành với 200 phòng nghỉ cao cấp, khai trương vào cuối tháng 5. Cùng với đó là khách sạn 5 sao M Gallery Cát Bà, số vốn hơn 300 tỷ đồng, với 120 phòng nghỉ 5 sao quốc tế, được quản lý bởi tập đoàn Accord (tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới).

Tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long đi vào hoạt động từ tháng 5-2020 phục vụ nhân dân và du khách đến với khu du lịch Cát Bà.


Không chỉ có vậy, tại Đồ Sơn, Tập đoàn Geleximco hiện diện với dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trên diện tích gần 500 ha ở vùng đất đắc địa, đẹp nhất Đồ Sơn. Ngay trong mùa hè này, với sự đầu tư của tập đoàn, Đồ Sơn có thêm sản phẩm du lịch mới là bãi tắm nhân tạo rộng tới 23.000 ha, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách. Ngoài ra, tốc độ thu hút đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao của Hải Phòng cũng tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong đó nổi bật là 2 khách sạn 5 sao Vinpearl của Tập đoàn Vingroup với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng; khách sạn Pullman của Công ty Nhật Hạ 1500 tỷ đồng; Khách sạn Nikko của nhà đầu tư Nhật Bản 1264 tỷ đồng; Khách sạn Hilton của Tập đoàn BRG 3300 tỷ đồng. Mới đây nhất, Tập đoàn FLC động thổ dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao tới 72 tầng tại số 4 phố Trần Phú với tổng mức đầu tư 3472 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thương mại, có dự án của Tập đoàn Vingroup với hệ thống Trung tâm thương mại Vincom; có nhà đầu tư Nhật Bản với Trung tâm thương mại Aeon Mall vốn đầu tư hơn 4300 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9- 2020.

Nguồn vốn tư nhân cũng đang rót rất mạnh vào phát triển bất động sản của thành phố như: 2 khu đô thị Vinhomes Imperia và Vinhomes Marina của Tập đoàn Vingroup trị giá hơn 10.000 tỷ đồng; các khu đô thị ven sông Lạch Tray; Làng Việt kiều Anh…

Như vậy, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư tại Hải Phòng, tạo nên nhiều lợi thế cạnh tranh to lớn cho thành phố. Với việc vốn ngân sách 1, vốn tư nhân 10, Hải Phòng  thực sự phát triển mạnh mẽ và bứt phá. Mong muốn về thành phố đáng sống, đáng đến để học tập, làm việc, du lịch đang dần trở thành hiện thực.

Bước chuyển về tư duy, tầm nhìn

Có được kết quả đó là nhờ sự đổi mới quyết liệt trong tư duy, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị thành phố. 5 năm liền, Hải Phòng chọn chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách- Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” tạo nên những lực hấp dẫn mới cho thành phố. Tới nay, hầu hết tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước hiện diện tại Hải Phòng là minh chứng rất rõ ràng và đầy sức thuyết phục. Với việc lấy vốn ngân sách làm vốn mồi đầu tư xây dựng, mở mang hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển khu công nghiệp…, cùng với ưu thế vượt trội về cảng biển nước sâu; giao thông quốc tế và trong nước thuận tiện với cả 5 loại hình giao thông, Hải Phòng có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, sự thông thoáng về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư là chất xúc tác quan trọng. Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng đều nằm trong tốp đầu cả nước, năm 2020 nằm trong tốp 10 là những minh chứng cho thấy cảm nhận, đánh giá rất tốt của nhà đầu tư tư nhân đối với môi trường kinh doanh của Hải Phòng.

4 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, nhưng vốn đầu tư xã hội của Hải Phòng vẫn tăng trưởng 2,75%, trong khi nhiều địa phương khác bị sụt giảm nghiêm trọng. Với đà này, Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân và đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thanh Hiệp – Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa – Duy Lê