Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19: Thiết thực, hiệu quả cao

Tuần qua, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành và một số hiệp hội doanh nghiệp để bàn biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đây là một trong những động thái tích cực và rất kịp thời, bởi lẽ do dịch bệnh kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp mỗi ngày một yếu đi và đang rất cần sự trợ giúp của Chính phủ, của thành phố.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu, nhỡ nguyên liệu nhập khẩu. Trong ảnh: Một phân xưởng sản xuất của Công ty Jasan trong khu công nghiệp VSIP.

Không ít doanh nghiệp lao đao

Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, mỗi ngày dịch bệnh chưa được đẩy lùi thì khó khăn của doanh nghiệp lại càng tăng thêm. Thời gian đầu, khi dịch bệnh mới bắt đầu, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) còn gồng mình lên chống chịu, nhưng tới nay thì đang dần đuối sức. Trong đó, đáng lo lắng nhất là tình hình thiếu nhỡ nguyên liệu vốn từ trước tới nay phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc… Hiện lượng nguyên liệu dự trữ đã sắp cạn kiệt, một số doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất như: Công ty TNHH C-Focus ViệtNamtại KCN Đồ Sơn; hoặc dừng sản xuất một số dây chuyền như Công ty Kyocera (VSIP Hải Phòng). Một số doanh nghiệp thì buộc phải thu nhỏ quy mô sản xuất vì thiếu nguyên liệu như: LG Innotek; Jasan… Ông Bùi Ngọc Hải lo lắng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới hết tháng 3, tháng 4 thì doanh nghiệp sẽ lại càng khó khăn thêm. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng đang lo lắng về việc giữ vững thị trường, thực hiện các hợp đồng đã ký kết vì thiếu nhỡ nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao hàng hóa.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Đào Thị Kim Ngân phản ánh: đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đều lâm vào cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, du lịch, ăn uống, vận tải; các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Đây là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất do tiềm lực còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ hẹp, rất cần có sự hỗ trợ của thành phố. Còn theo ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An, một số doanh nghiệp thuộc quận đã phải giảm sản lượng sản xuất tới 40-50%… Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp ViệtNam- chi nhánh Hải Phòng rất băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp hội viên liên tục phản ánh những khó khăn, thách thức mới trên chặng đường phát triển.

Đáng chú ý, không chỉ khó khăn về nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu nhỡ về nhân lực, về đội ngũ chuyên gia cao cấp. Theo phản ánh của Công ty TNHH Việt Trường, doanh nghiệp vừa hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến thủy sản mới, đã lắp đặt máy móc xong. Nhưng do chuyên gia Trung Quốc về nghỉ Tết bị mắc kẹt lại vì dịch bệnh chưa sang được nên chưa thể vận hành. Trong khi đó, tới tháng 4 sẽ vào mùa thu hoạch tôm, nếu nhà máy không kịp vận hành đúng thời điểm sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là hiệu quả của đồng vốn đầu tư. Theo Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động mới, cũng là những diễn biến mới cần phân tích, đánh giá đầy đủ và có biện pháp giải quyết.

Thiết thực tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh như trên, doanh nghiệp đều đang tự tìm mọi biện pháp để giải quyết, xử lý. Không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc. Đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng để cùng chia sẻ khó khăn thời đại dịch hoành hành.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp rất cần có sự trợ giúp cụ thể, thiết thực của các cấp chính quyền. Theo BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, hiện có nhiều chuyên gia quản lý, kỹ sư, kỹ thuật là người Trung Quốc chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam; một số người lao động Trung Quốc tại Việt Nam cũng sắp hết hạn visa. Đây là vấn đề cần sớm được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có hướng xử lý. Được biết, Bộ đã có hướng tháo gỡ, chỉ đạo Cục Việc làm yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu về chuyên gia, lao động nước ngoài từ các doanh nghiệp gửi về Bộ để xem xét, cấp phép cho các chuyên gia vào làm việc, nhất là chuyên gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, công trình lớn. Bộ sẽ xét duyệt và cấp phép theo thứ tự ưu tiên, chặt chẽ đúng theo quy trình. Đây là vấn đề cần được các ngành thành phố thực hiện khẩn trương để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. BQL Khu Kinh tế cũng đề nghị cho phép chuyên gia người Trung Quốc hiện đang ở Việt Nam đã kết thúc thời gian cách ly được cấp, gia hạn giấy phép lao động để bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của nhà máy tại Việt Nam. Đồng thời, có các chính sách thu hút lao động từ các nơi khác về làm việc tại Hải Phòng.

Về nguồn nguyên liệu, thành phố cần sớm kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương làm việc với chính quyền các cấp của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới, để doanh nghiệp có thể từng bước nhập khẩu nguyên liệu trở lại. Mặt khác, các ngành như Hải quan cũng cần quan tâm sâu sát hơn tới tình hình thực tế của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục thông quan để nguyên liệu nhanh chóng về tới nhà máy phục vụ sản xuất. Về lâu dài, thành phố cần có các giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như: thép chế tạo, vải, vật liệu mới… bằng những cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…

Theo phản ánh của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 2-2020, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách cụ thể và thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới; miễn, giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng… Hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đang được hưởng lợi từ chính sách này, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp về thuế, Cục Thuế Hải Phòng cho biết đang xem xét đề xuất với Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân người nước ngoài (đặc biệt từ các nước đang có dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; thuế đất cho đối tượng hoạt động sản xuất-kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19, như: du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giày… Theo tính toán, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 30.000 tỷ đồng và dự kiến thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Trước đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát đề xuất Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh. Với chính sách này, nhiều doanh nghiệp của Hải Phòng cũng sẽ được hỗ trợ, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành yêu cầu các ngành cần khẩn trương, chủ động hơn nữa trong nắm bắt các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất với thành phố biện pháp tháo gỡ. Trước mắt, thống nhất ý kiến đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giao Sở Công thương chủ trì cùng Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại chuyên đề phù hợp, tìm nơi cung ứng nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm mới để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bám sát kiến nghị của doanh nghiệp, giải quyết cấp phép, gia hạn cho lao động người nước ngoài đã và đang lao động tại Việt Nam sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly. Các sở, ngành, địa phương hạn chế, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất và sâu rộng nhất để giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp; kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách, báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là những biện pháp bước đầu đáng ghi nhận với tinh thần cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 của Hải Phòng.

Bài: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính