Phát triển viễn thông – công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ chủ lực của thành phố

default

Khu đô thị mới Vinhome Imperia. Ảnh: Trọng Luân

(Haiphong.gov.vn) – Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin; ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực lợi thế của thành phố, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố thông minh, hiện đại với sản phẩm dịch vụ, năng lực cạnh tranh cao… Đây là mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Kết luận số 37-KL/TU ngày 21/2/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TU ngày 27/12/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020 do UBND thành phố vừa ban hành.

Theo đó, UBND thành phố đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tập trung vào: Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển viễn thông, CNTT; đổi mới cơ chế chính sách; đẩy mạnh việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng nhân lực viễn thông và CNTT; phát triển ứng dụng CNTT, từng bước xây dựng và hình thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh; xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT; đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định đạt 17 thuê bao/100 dân và băng rộng di động đạt 35-40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 75%; cung cấp internet không dây miễn phí tại khu vực trung tâm thành phố, các khu du lịch và một số điểm công cộng; ngầm hóa cáp thông tin tại khu vực đô thị, khu vực dân cư tập trung, trung tâm các huyện và khu, cụm công nghiệp.

Về ứng dụng CNTT, đến năm 2020 thông tin chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước từ thành phố đến xã, phường, thị trấn được đưa lên hệ thống Cổng thông tin điện tử thường xuyên, kịp thời đầy đủ và chính xác; 100% văn bản thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước được số hóa và trao đổi, lưu chuyển trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật); 100% TTHC có tỷ lệ phát sinh hồ sơ cao được xây dựng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3; 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo, thống kê, khai báo thuế, đăng ký và được cấp phép kinh doanh, nhận chứng chỉ qua mạng…Hải Phòng phải trở thành địa phương mạnh về công nghiệp công nghệ thông tin trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, sản xuất phần mềm, nội dung số ở khu vực phía Bắc, có sản phẩm phần mềm xuất khẩu.

Trâm Bầu