Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của thành phố Hải Phòng

Kính thưa các đồng chí!

Trước hết, tôi xin chân thành chúc mừng nhiều tập thể và cá nhân của thành phố Hải Phòng đã có thành tích được khen thưởng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới.

Qua báo cáo của thành phố và video clip được trình chiếu tại Hội nghị đã thể hiện đầy đủ thành công trong xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng. Tôi đánh giá cao Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới lần này để chúng ta tổng kết thực chất đóng góp về mặt lý luận, thực tiễn cho Trung ương.

Như các đồng chí đã biết, ngày 19/10 này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc. Vì vậy, việc tổng kết ở cấp địa phương sâu sát, cụ thể bao nhiêu sẽ có đóng góp cho Trung ương, đặc biệt là những đô thị lớn có nhiều vùng nông thôn như Hải Phòng. Việc tổng kết này cũng thể hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng bên cạnh phát triển đô thị lõi trung tâm, phát triển mạnh mẽ hạ tầng, phát triển mạnh mẽ công nghiệp, dịch vụ, những ngành rất then chốt của thành phố, nhưng cũng tập trung cao trong triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời triển khai kịp thời Kết luận số 54 của Bộ Chính trị khóa XII năm 2019 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tôi đánh giá cao việc thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết lần này. Tôi xin nhấn mạnh một số điểm để chúng ta có thể rút ra một số vấn đề cần lưu ý.

Trước hết, Hải Phòng là đô thị nhưng có đến 55% dân cư sống ở vùng nông thôn với trên 1,1 triệu người dân sống ở nông thôn; 53% diện tích là đất nông nghiệp; 8 huyện/18 đơn vị hành chính. Đây là một thách thức lớn, nhiệm vụ nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bác Hồ từng nói: “nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh vượng thì nước ta thịnh”. Chúng ta thực hiện di huấn của Bác Hồ về nông nghiệp, nông thôn thì phải hiểu được điều này chứ không chỉ đi một chiều tập trung cho đô thị hóa.

Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của 2 nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2020 với việc Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động, nhiều nghị quyết quan trọng, nhiều hành động cụ thể để quyết tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, kể cả các cơ quan đoàn thể, MTTQ và đặc biệt là người dân. Tôi rất cảm động khi thấy nhiều cụ lớn tuổi hôm nay lên nhận Bằng khen của thành phố, chứng tỏ nhận thức, đóng góp của người nông dân với công cuộc này rất lớn. Sức mạnh của chúng ta là từ người dân, và Hải Phòng đã thể hiện được điều này.

Từ tư tưởng thông, hành động quyết liệt và nhất quán đã giúp Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Vì thế, nông thôn, nông nghiệp, đời sống người dân ở Hải Phòng đã thay đổi, nâng lên rõ nét. Người dân thành phố rất phấn khởi vì sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố.

Hải Phòng đã nhanh chóng đạt được những bước cơ bản để về đích. Đến nay, Hải Phòng đã có 79 số xã về đích nông thôn mới, dự kiến hết năm 2019 sẽ đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số huyện cơ bản hoàn thành 99% chỉ tiêu huyện nông thôn mới, cao hơn cả nước 13%. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đạt mức cao hơn trung bình cả nước, như đường giao thông, nội đồng được bê tông hóa; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới, tiêu chủ động đạt 100%; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 92%.

Đặc biệt, thành phố đã quyết định đầu tư cho mỗi xã 25 tỉ đồng, chưa kể hỗ trợ xi măng. Đây là mức đầu tư lớn nhất cả nước. Giai đoạn cuối, thành phố Hải Phòng đã triển khai nghiêm túc và quyết liệt.

Nông thôn mới không chỉ là vấn đề hạ tầng mà quan trọng hơn là mức sống của người dân. Bình quân thu nhập đầu người năm 2019 đạt gấp 3,5 lần năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo còn 1%, trong khi cả nước còn 4,5%.

Tôi đánh giá cao Hải Phòng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới: trong tổng nguồn lực huy động gần 47.000 tỉ đồng thì có tới 45% huy động từ xã hội.

Tôi cũng đặc biệt đánh giá cao việc có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp ở Hải Phòng như Vingroup, Xanh Kỳ Duyên, giống gia cầm Lượng Huệ, chế biến rau củ quả Vinafood… Đặc biệt rất nhiều HTX nông nghiệp đã đóng góp vào nông thôn mới.

Hải Phòng đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn được ứng dụng công nghệ cao, đã quy hoạch 3 khu công nghệ cao và 42 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 5.000 ha.

Nhân dân thành phố đã đón nhận, ủng hộ Chương trình nông thôn mới thông qua nhiều hình thức tham gia như: hiến gần 420 ha đất, trên 1,3 triệu ngày công, gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt. Từ đó tạo nên hình ảnh Nhà nước và nhân dân cùng làm rất đáng trân trọng.

Tôi cũng đánh giá cao việc Hải Phòng quan tâm đặc biệt đến đối tượng chính sách, người nghèo. Phát huy dân chủ với người dân, không gò ép, từ từ giác ngộ người dân. Đây chính là kinh nghiệm quan trọng trong sự nghiệp quan trọng này của đất nước và thành phố.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến thực sự cả về lượng và chất đối với Hải Phòng, sự gắn kết liên kết giữa vùng đô thị hiện đại với khu vực nông thôn. Nông thôn Hải Phòng từ đây đã có sự thay đổi lớn, và chính vì thế, niềm tin của 55% dân số ở nông thôn Hải Phòng được nâng lên rất rõ.

Đây là một kết quả quan trọng của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố. Tôi nhận định rằng, Hải Phòng đã có đóng góp rất tích cực vào thành công chung của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và đặc biệt là nâng cao mức sống cho người nông dân.

Tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích trong xây dựng nông thôn mới của thành phố Hải Phòng đã đạt được trong những năm qua và có đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới của thành phố Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất, về sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung vẫn còn nhỏ bé, phân tán về quy mô, phát triển dưới tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Tăng trưởng nông nghiệp là có nhưng chưa bền vững, chưa cao. Chất lượng an toàn thực phẩm còn là mối lo ngại; chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chưa có nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu mạnh.

Đến nay, cả nước đã có 103 huyện nông thôn mới; đồng bằng Bắc bộ đã có 40 huyện nông thôn mới nhưng hiện Hải Phòng chưa có huyện được công nhận huyện nông thôn mới.

Thứ hai, quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn chưa giữ được những giá trị truyền thống của vùng thôn quê đồng bằng sông Hồng. Di sản văn hóa của nông thôn Hải Phòng rất lớn, rất cần phải được gìn giữ.

Thứ ba, môi trường nông thôn còn nhiều lo lắng, nhất là rác thải, nguồn nước ô nhiễm, an ninh nông thôn cần được củng cố, tăng cường, đảm bảo sự yên lành cùng với việc củng cố hệ thống chính quyền cho việc phát triển sản xuất, bảo vệ an toàn cho người dân. Nông thôn Hải Phòng phải là vùng nông thôn yên bình, an ninh, an toàn và văn hóa.

Chính vì thế mà một câu hỏi lớn đặt ra là trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, những danh tiếng “Tiên Lãng sông nước bốn bề, có nghề trồng thuốc, có nghề chiếu gon”, thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, rượu nếp cái hoa vàng, nước mắm Cát Hải, chả chìa Hạ Lũng, mực khô Cát Bà… và những cái tên bao đời gắn liền với Hải Phòng, đặc biệt văn hóa truyền thống nông thôn Hải Phòng, sẽ còn hay mất? Những văn hóa quý báu ấy như thế nào? 10-20 năm nữa, truyền thống, nét đẹp văn hóa những làng quê của Hải Phòng sẽ ra sao? Chúng ta không chỉ phát triển kinh tế mà không giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, một văn hóa bất khuất, anh hùng.

Ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76 thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong đó xác định chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả, môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú,  giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đồng tình và thống nhất những phương hướng mà Hải Phòng đề ra. Hải Phòng cần có số huyện, số xã nông thôn mới kiểu mẫu nhiều hơn số lượng dự kiến. Hải Phòng cần tiên phong trong xây dựng những miền quê nông thôn mới đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Từ nay đến cuối 2020, Hải Phòng cần có phương án cụ thể hơn nữa, được công bố rộng rãi hơn nữa về việc xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã vùng hải đảo.

Cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng về công nghệ, về dịch vụ và chuỗi giá trị gia tăng, về chế biến, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa, thanh toán điện tử, thương mại nội địa, xuất khẩu.

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo là bảo tồn và phát triển cần phải song hành, không được thiên lệch, xây dựng nông thôn mới gắn với tôn tạo, giữ gìn di tích. Hải Phòng phải hiện đại, nhưng Hải Phòng cũng cần giữ gìn nét đẹp và tinh hoa truyền thống, trước hết là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ở các địa phương cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng, tạo nên một không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển.

Không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người nông dân, cải cách hành chính mạnh mẽ, không còn tham nhũng vặt đối với nhân dân ở nông thôn. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, kiên quyết nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần.

Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc cách mạng ấy không dừng lại ở thời điểm tổng kết hoặc là trong 5-10 năm.

Tôi mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đoàn kết, chủ động, sáng tạo để đưa Hải Phòng phát triển toàn diện, trong đó có vấn đề xây dựng nông thôn mới thành công.

Tôi xin chúc các đồng chí  lãnh đạo thành phố, bà con các địa phương sức khỏe, tiếp tục đóng góp vào phong trào nông thôn mới hiệu quả, kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố!

Xin chúc sức khỏe tất cả các đồng chí!